TT - Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM (BAHC) Nguyễn Phương Nam đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ hôm qua. [TABLE="class: tLegend, align: center"] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [TR] [TD] Cầu lông TP.HCM chưa có lớp kế thừa Tiến Minh (phải) - Ảnh: N.K. [/TD] [/TR] [/TABLE] Ông Nguyễn Phương Nam là một doanh nhân trẻ (chủ tịch, tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Robot), đã được bầu làm chủ tịch BAHC cách đây tròn một năm. Ông trò chuyện với tư cách là chủ tịch BAHC và là một doanh nhân. * Theo ông, điều hành BAHC - một đơn vị thể thao - và một doanh nghiệp, công việc nào khó hơn? - Đang phải trực tiếp làm việc trên cả hai lĩnh vực này, tôi thấy điều hành tổ chức thể thao khó hơn doanh nghiệp rất nhiều lần. Làm thể thao, nếu không có tâm huyết thì thật khó chèo lái và phát triển được. Với doanh nghiệp có hàng ngàn nhân viên, tôi có thể chủ động mọi chuyện. Từ lĩnh vực đầu tư, xây dựng chiến lược, tuyển dụng nhân sự cấp cao hay thay thế khi không đạt hiệu quả... mình đều có thể quyết định, kể cả chớp lấy cơ hội hay chấp nhận rủi ro. Trong khi đó với BAHC, quyết định được đưa ra phụ thuộc vào nhiều chuyện, từ tác động xã hội, các đơn vị quản lý nhà nước đến mối quan hệ với thành viên như VĐV, HLV, phụ huynh... Ở đó không chỉ thuần túy là chuyện chuyên môn mà còn là chuyện con người, cơ chế. * Gặp không ít khó khăn, có khi nào ông đã nghĩ đến chuyện rút lui ở BAHC để dồn sức cho doanh nghiệp của mình? - Có lúc đau đầu, thậm chí mất ngủ vì đụng chạm đến con người là chuyện không dễ chút nào. Nhưng khi đã nhận vai trò này, tôi cũng nhìn thấy trước và xác nhận trách nhiệm, đã hứa với chính mình là phải vượt qua khó khăn, không để những người yêu mến cầu lông, những người tin tưởng, kỳ vọng ở mình bị thất vọng. Tôi tìm cách tháo gỡ khó khăn từ từ, chẳng hạn như gặp gỡ trực tiếp tất cả thành viên liên quan, từ phụ huynh đến VĐV, ban huấn luyện, bộ môn... để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của từng người. [TABLE="align: right"] [TR] [TD="bgcolor: #cfe6f9, align: center"] [TABLE="class: tLegend, align: center"] [TR] [TD][/TD] [/TR] [TR] [TD]Ảnh: T.P.[/TD] [/TR] [/TABLE] "Tôi thấy điều hành tổ chức thể thao khó hơn doanh nghiệp rất nhiều lần. Làm thể thao, nếu không có tâm huyết thì thật khó chèo lái và phát triển được” Ông Nguyễn Phương Nam[/TD] [/TR] [/TABLE] Có phụ huynh VĐV gặp tôi nói rằng đã cho con gắn bó với cầu lông TP.HCM nhiều năm thì đến nay chị mới có cơ hội trao đổi trực tiếp, chia sẻ với lãnh đạo liên đoàn. Chúng tôi gửi thư thăm dò ý kiến những người trong cuộc để vẽ nên bức tranh thực trạng của cầu lông TP.HCM và đưa ra định hướng phát triển trong tương lai. Chúng tôi phân công trách nhiệm của từng thành viên trong ban lãnh đạo BAHC, xây dựng lại quy chế đội tuyển, phân công ban huấn luyện rõ ràng, chính sách khen thưởng kỷ luật... để kích thích tinh thần tập luyện của HLV, VĐV. * Những việc làm này khá giống với cách quản lý một doanh nghiệp... - Tôi cố gắng đưa những gì mình học được và kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp vào. Điều khiến tôi hài lòng nhất là mọi người cùng cam kết sẽ đi chung một con đường. Đã thống nhất đưa ra được mục tiêu chiến lược của cầu lông TP.HCM, các kế hoạch, giải pháp nhằm phát triển cầu lông TP cũng như góp phần cho cầu lông VN trong tương lai. Tôi cũng vui là sau một năm mình giữ chức chủ tịch BAHC, dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung nhưng đã vận động được một số nhà tài trợ, mạnh thường quân trong nước giúp đỡ, đã đàm phán và sẽ ký kết một số hợp đồng tài trợ, bán bản quyền truyền hình các giải cầu lông quốc tế... Số tiền này sẽ tập trung vào việc hỗ trợ VĐV được tập huấn, thi đấu nhiều hơn. * Rõ ràng việc cầu lông TP.HCM thu hút được nhà tài trợ nhờ nhiều vào hình ảnh của Tiến Minh. Nhưng đến thời điểm này khi Tiến Minh đã có tuổi, cầu lông TP.HCM vẫn chưa tìm ra tay vợt kế thừa? - Đúng như vậy, hình ảnh Tiến Minh đóng góp rất lớn để các nhà tài trợ tìm đến chúng tôi. Nhưng cũng phải nhìn nhận Tiến Minh là một trường hợp rất đặc biệt. Anh có tố chất bẩm sinh, đam mê nghề, luôn nỗ lực phấn đấu và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình. Muốn có một Tiến Minh thứ hai, chúng ta phải tìm được những VĐV hội đủ những điều kiện đó. Tôi được biết một số VĐV cầu lông năng khiếu không thể hiện được sự cố gắng. Có những buổi tập, khi thi đấu với Tiến Minh, họ không chơi hết sức vì luôn nghĩ rằng mình sẽ thua. Bản thân tôi cùng ban huấn luyện đã nhắc nhở, chỉ bảo các em phải luôn cố gắng và xem đó là cơ hội để mình phát triển. Điều cần thứ hai để có thêm Tiến Minh là sự quan tâm của xã hội, nhất là các bậc phụ huynh. Chúng tôi đang rất quan tâm và cần sự hỗ trợ của phụ huynh có con em có năng khiếu và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với thể thao TP cho con em theo sự nghiệp này. Riêng việc tìm kiếm nhân tài ở những nơi khác, như ở môi trường thể thao học đường, thì như mò kim đáy biển vì chúng ta chưa đầu tư vào lĩnh vực này. * Có phải là chúng ta đã bó tay? - Theo tôi, đây không phải là thời điểm chúng ta đặt câu hỏi khi nào có Tiến Minh thứ hai, mà nên đặt câu hỏi lớp kế thừa Tiến Minh sẽ gồm những ai? Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để đến năm 2020 chúng ta có lớp VĐV giỏi, trong đó phải có VĐV nằm ở tốp 25 thế giới. Nếu kế hoạch này triển khai tốt, nó sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân tài cầu lông. Nhưng đây là kế hoạch dài hơi, phải được cộng hưởng từ nhiều phía. Nó giống như một ngôi nhà, phải được làm móng, rồi từ từ dựng lên. * Theo ông, ở tuổi 29, liệu Tiến Minh còn có cơ hội phát triển? - Tôi chờ đợi Tiến Minh trụ trong tốp 10 thế giới khoảng 2-3 năm nữa để khuyến khích phong trào chơi cầu lông. Tôi cũng nghĩ rằng anh có thể lọt vào tốp 5 nếu được đầu tư và cá nhân anh nỗ lực nhiều hơn. DUY BÌNH - TẤN PHÚC thực hiện
chỉ thế thôi, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, thế nào rồi cũng sẽ có 3,4,5..... mà thôi.