Nhiều khả năng các quốc gia Đông Nam Á lại tiếp tục thất bại tại Olympic London 2012 do hai căn bệnh kinh niên: quản lý kém và thiếu nguồn lực tài chính. Trước thềm Olympic London 2012: Tay vợt cầu lông số 2 thế giới Lee Chong Wei, một trong những niềm hi vọng hiếm hoi giành huy chương của thể thao Đông Nam Á tại Olympic 2012 - Ảnh: AFP Là khu vực có đến 600 triệu người, có nhiều nền kinh tế mới nổi mạnh mẽ và tinh thần thể thao cuồng nhiệt, nhưng ở Olympic London các nước Đông Nam Á có quá ít VĐV đủ khả năng giành HCV. Trong số những niềm hi vọng này, Malaysia sở hữu VĐV cầu lông số 2 thế giới Lee Chong Wei. Ngoài ra, Indonesia cũng có một số tay vợt có khả năng đạt thành tích cao ở môn cầu lông. Thái Lan có một số VĐV cử tạ mạnh, Philippines đặt niềm tin vào các xạ thủ, Singapore đưa đến London một đội bơi lội khá mạnh cùng HCB bóng bàn Olympic 2008 Feng Tianwei... Nhưng trong số VĐV mà 11 quốc gia Đông Nam Á cử đến Olympic London, không ai có cơ hội thật sự để giành huy chương môn thể thao “hoàng hậu”: điền kinh. Bốn năm trước ở Bắc Kinh, các nước Đông Nam Á chỉ giành hơn 10 huy chương các loại. Đó là con số quá ít ỏi nếu xét tới nguồn lực của khu vực. Để so sánh, quốc gia nhỏ bé Kazakhstan giành tới 13 huy chương cũng ở Olympic Bắc Kinh 2008. “Mối nguy lớn nhất là thể thao khu vực sẽ sụp đổ. Nếu chúng ta không thể đào tạo những VĐV trẻ và giỏi, trong tương lai chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với các nước. Cứ mỗi năm trôi qua lại có một nhóm VĐV tiềm năng ở Đông Nam Á biến mất” - Hãng tin AFP dẫn lời chuyên gia Thái Lan Santiparb Tejavanija, cố vấn Hội đồng Olympic châu Á. Có vô số lý do dẫn tới thành tích nghèo nàn của thể thao Đông Nam Á trên đấu trường Olympic. Tuy nhiên các chuyên gia thể thao khu vực khẳng định hai căn bệnh trầm trọng nhất là quản lý kém và tham nhũng. Ví dụ điển hình là hàng loạt vụ rút ruột công trình xây dựng các dự án SEA Games ở Indonesia hồi năm ngoái. Nạn tham nhũng càng làm vấn đề thiếu nguồn lực tài chính thêm nghiêm trọng. Chuyên gia Tejavanija khẳng định do không có sự đầu tư đúng mực, các quốc gia Đông Nam Á rơi vào cảnh thiếu hụt cơ sở vật chất phục vụ thể thao, các chuyên gia đào tạo và VĐV trình độ cao. Các nước như Jamaica, Kenya hay các nước Liên Xô cũ cũng nghèo nhưng lại sở hữu cơ sở hạ tầng thể thao hiện đại, điều mà Đông Nam Á còn thiếu hụt. AFP dẫn lời chuyên gia Úc Greg Wilson, cố vấn cho Ủy ban Olympic Indonesia (KOI), khẳng định khả năng quản lý yếu kém của các liên đoàn thể thao và sự thiếu tham vọng đã dẫn tới việc phần lớn nguồn lực tài chính được chuyển tới các cuộc thi tài cấp độ khu vực chứ không phải toàn cầu. “Rất nhiều VĐV Đông Nam Á chẳng để ý gì đến đấu trường Olympic, thậm chí ngay cả khi Olympic London đã gần kề. Họ nghĩ rằng mình khó có khả năng vượt qua vòng loại Olympic, do đó chỉ tập trung vào các giải đấu hạn hẹp như các giải vô địch quốc gia hay SEA Games” - chuyên gia Wilson cho biết. Vì vậy, chuyên gia Wilson hi vọng Olympic London sẽ là “giọt nước tràn ly” để các nhà quản lý thể thao Đông Nam Á soi lại mình.