Bạn trungakira có lẽ chỉ thường xuyên theo dõi tin tức, chứ thật sự chưa xem Tiến Minh đánh, nhất là trong các giải đấu gần đây. Việc Tiến Minh ít được tài trợ, ngoài sự thiếu nhạy bén của liên đoàn cầu lông Việt Nam, còn do thực tế khách quan là môn này không thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận ở Việt Nam. Mặt khác thì trên thế giới, khách quan mà nói thì cầu lông cũng chưa phổ biến được như tennis. Lý luận của bạn cho rằng đã hàng đầu thế giới thì phải vô địch SEA Games vừa đúng vừa lại không đúng. Trong các môn có bấm giờ như điền kinh hay bơi lội, hoặc bắn súng, chắc chắn sẽ đúng. Trong các môn đối kháng, sự việc phức tạp hơn. Riêng với cầu lông, còn có một lý do khác. Trái ngược với quan niệm thông thường, cho rằng SEA Games là một ao làng, vùng trũng của thế giới, thì riêng trong môn cầu lông khu vực Đông Nam Á chính là nóc nhà của thế giới trong hàng chục năm qua. Mười năm gần đây TQ đã đầu tư rất nhiều cho cầu lông, và cho đến nay đã trở thành nhà vô địch tuyệt đối của thế giới ở môn này, bằng chứng là họ giành đủ 5 chức vô địch các nội dung tại giải vô địch cầu lông thế giới vừa diễn ra tại London. Mặc dù vậy xét riêng trong khu vực ĐNÁ, các nước Indonesia, Malaysia, Singapore vẫn có truyền thống rất mạnh. Việt Nam nhờ có Tiến Minh mới có tiếng nói ở môn này, và chỉ duy nhất ở nội dung đơn nam. Trong nội dung này, các tay vợt như Lee Chong Wei (Malaysia), Taufit Hidayat, Simon Santoso (Indonesia) đều có đẳng cấp vượt trội hơn Tiến Minh. Bên cạnh đó Thái Lan cũng có Boonsak Possana cũng ở cùng đẳng cấp với Tiến Minh. Do đó việc đoạt huy chương tại SEA Games trong nội dung đơn nam của môn cầu lông, cũng tương tự như đoạt chức vô địch thế giới nếu không tính Trung Quốc và Đan Mạch. Hiện tại trong top 10 đơn nam của BWF, liên đoàn cầu lông thế giới, thứ tự như sau: Rank Country Player Member ID Points Tournaments Confederation Country 1 MAS LEE Chong Wei 50152 98997.3000 11 Asia Malaysia 2 CHN LIN Dan 50906 84066.1000 13 Asia China 3 DEN Peter H.GADE 6926 73862.5500 10 Europe Denmark 4 CHN CHEN Long 75787 71980.0000 14 Asia China 5 INA Taufik HIDAYAT 10337 67040.0000 15 Asia Indonesia 6 CHN CHEN Jin 51592 58200.0000 13 Asia China 7 VIE Tien Minh NGUYEN 14107 57919.0878 16 Asia Vietnam 8 CHN DU Pengyu 55380 56740.0000 15 Asia China 9 JPN Sho SASAKI 50905 54466.0000 16 Asia Japan 10 THA B. PONSANA 11959 53713.6000 20 Asia Thailand Ta thấy TQ chiếm các thứ hạng 2,4,6,8. Còn lại có đại biểu của 6 nước là Malaysia, Đan Mạch (đại biểu duy nhất của châu Âu, cũng như phần còn lại của thế giới), Indonesia, Việt Nam, Nhật Bản, và Thái Lan. Như vậy nhiều nước lớn khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, ... đều không có đại diện trong top 10. Nếu tham khảo tiếp bảng xếp hạng này mở ra đến top 100, Việt Nam vẫn không có thêm đại diện nào. Mở ra đến top 200, top 300 cũng thế. Đến đây thì đó chính là một thách thức thường trực của Tiến Minh khi giữ được vị trí như hiện nay. Như chúng ta biết để tập luyện nâng cao, cần có HLV tốt, đối thủ trình độ cao, có sự hỗ trợ về y tế, khoa học kỹ thuật, các máy móc phục vụ tập luyện, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, quay phim tư liệu... Đối chiếu các yêu cầu này, Tiến Minh hầu như không có gì cả. Nếu như các nước bạn, số lượng các tay vợt hàng đầu tương đối cao, nên có đối thủ tốt để tập cùng nhau, hệ thống hậu cần hỗ trợ chung cho nhiều người nên được quan tâm tốt, đầu tư cao, thì ở VN các yêu cầu này chỉ là viển vông. Daniel vốn không đặc biệt hâm mộ cầu lông, nhưng có điều kiện xem Tiến Minh thi đấu, thấy rõ đây là một VĐV tài đức vẹn toàn. Từ tinh thần thi đấu cho đến cách ứng xử trên sân với khán giả và người xem. Cũng vì xem Tiến Minh thi đấu, mới thấy được những thiệt thòi của một VĐV một thân một mình đi chinh chiến liên tục ở nước ngoài. Thông thường tham dự các giải, Tiến Minh đều chỉ đi một mình, hoặc có săn sóc viên là cô Huỳnh Ngọc Liên tháp tùng. Không có HLV là một thiệt thòi nhiều lúc có thể quyết định đến thắng bại, khi cục diện trận đấu cần có sự can thiệp để giảm hưng phấn đối thủ và điều chỉnh chiến thuật. Ở đây có 2 trận đấu của Tiến Minh tại giải vô địch cầu lông thế giới vừa qua để các bạn tham khảo. Trận thứ nhất khi Tiến Minh lội ngược dòng ghi liên tục 7 điểm, để từ 15-20 thắng liền 22-20 ở ván thứ 3, giành chiến thắng ngẹt thở trước nhà vô địch Ấn Độ, đồng thời làm xôn xao các phương tiện truyền thông tại giải, vì hiếm khi nào có một cú ngược dòng sâu đến vậy, trong điều kiện tâm lý đặc biệt khó khăn khi mà đối thủ có đến 5 cơ hội ở Match Point. (có HD 720p nhé) R32 (Day 2) - MS - P. Kashyap vs T.M.Nguyen - Yonex BWF World Champs '11 Code: R32 (Day 2) - MS - P. Kashyap vs T.M.Nguyen - Yonex BWF World Champs '11 - YouTube Trận thứ 2 là khi Tiến Minh gặp Gede, nhà vô địch thế giới nhiều năm liền, là đại diện duy nhất ngoài châu Á còn lại ở vòng tứ kết này. Trận đấu này về sau được Tiến Minh nhận định là trận đấu hay nhất trong sự nghiệp của mình, hoàn toàn không ngoa. Theo dõi trận đấu các bạn có thể thấy ngoài việc khán giả tại London đương nhiên ủng hộ cho Gede, bên cạnh cao thủ này có 2 HLV liên tục chỉ đạo trong suốt trận đấu, trong khi đó Tiến Minh hoàn toàn tự lực tự cường. Với thể hình thấp bé nhẹ cân hơn hẳn, Tiến Minh không thể đôi công trực tiếp với đối phương, mà phải vận dụng khéo léo sự tinh tế của mình trong những đường cầu thay đổi liên tục lúc ngắn lúc dài lúc căng lúc chùng. Đặc biệt ở 2 ván đầu Minh đã có những quả rót cầu về cuối sân cực kỳ chuẩn xác, mà thường là rơi đúng trên vạch biên, khiến cho Gede vô cùng hoang mang, phải liên tục sử dụng một số tiểu xảo gián đoạn trận đấu để làm giảm sự hưng phấn của Tiến Minh. Nếu chú ý các bạn sẽ nghe được bình luận viên của trận đấu đã phải gọi lối đánh thay đổi chiến thuật liên tục của Tiến Minh như là một vũ điệu rock'n'roll. QF - MS - T.NGUYEN vs P.GADE - Yonex BWF World Champs '11 Code: QF - MS - T.NGUYEN vs P.GADE - Yonex BWF World Champs '11 - YouTube Có thể nói qua 2 trận đấu may mắn được ghi hình này, chúng ta có thể nhìn thấy cả về năng lực cũng như ý chí tinh thần của Tiến Minh. Đa số người Việt chúng ta thích nhìn thấy chiến thắng, dù ở bất kỳ cấp độ nào. Tuy nhiên nếu tỉnh táo sẽ thấy giai đoạn này là dịp may hiếm có của cầu lông Việt Nam khi mà chúng ta "vô tình nhặt được bí kíp" Tiến Minh. Hai chữ Việt Nam hiện diện đường hoàng và sòng phẳng cùng với các các anh tài thế giới là điều hãnh diện mà Tiến Minh đã mang đi từ Âu sang Á trong suốt mấy năm qua. Nếu như trong tennis có giải đấu chung kết năm thì cầu lông cũng có Super Series Finals là giải đấu quy tụ các ngôi sao thế giới, bao gồm 8 thứ hạng đầu của 5 nội dung thi đấu. Giải đấu danh giá nhất trong năm này có tổng tiền thưởng là 500 000 USD, tuy không nhiều so với các môn khác, nhưng nếu so với quy mô của giải Vietnam Grand Prix vừa rồi thì cao hơn gấp 10 lần. Tại giải 2010, Tiến Minh đủ tư cách được tham gia. Hình ảnh của Minh cùng với 7 ngôi sao khác đã được trưng ra ở trước sảnh chính của nhà thi đấu. Đặc biệt ảnh của Minh còn được xếp ngay vị trí chính giữa sảnh, có lẽ vì nhà tài trợ của giải, Victor, cũng chính là nhà tài trợ trang phục thi đấu cho Tiến Minh. Khán giả Đài Loan đến xem nhắc đến Việt Nam là họ kể ngay tên Tiến Minh, mà họ gọi là nhà "quán quân" của Việt Nam. Họ hết sức chú ý vì VĐV số 1 đơn nam của Đài Loan HSUEH Hsuan Yi vẫn còn rất xa bên dưới bảng xếp hạng ở dòng số 36. Các trận đấu của Minh trong giải, tuy đều thua, nhưng luôn được khán giả Đài Loan nhiệt liệt ủng hộ. Hôm nay cũng chính là ngày khai mạc giải đấu Taipei Grand Prix Gold với quỹ thưởng 200 000 USD, gấp 4 lần giải Việt Nam Grand Prix. Một lần nữa Tiến Minh tiếp tục là hạt giống số 1 của giải. Để đối chiếu thì chiều nay tay vợt nữ số 1 Việt Nam là Vũ Thu Trang đã ra quân trong trận đấu vòng sơ loại thứ nhất với tay vợt chủ nhà Taipei. Phải thắng liền 2 trận sơ loại trực tiếp, thì Trang mới có tư cách bước vào vòng đấu chính thức, chứ chưa nói là được làm hạt giống, và càng không mong đến vị trí hạt giống số 1 của giải. Thế nhưng chiều nay thì Thu Trang đã thua ngay trận đấu đầu tiên này. Nói như vậy để thấy khoảng cách xa vời vợi của Tiến Minh so với các tay vợt còn lại của Việt Nam. Nếu như nhà vô địch Lin Dan có tốc độ đập cầu được ghi nhận là 285 km/h, thì Tiến Minh cũng có tốc độ lên đến 260 km/h. 10 sáng mai Tiến Minh sẽ khởi động bằng trận đấu ở vòng 1/64 gặp một tay vợt vô danh Malaysia. Dù thắng thua không thể nói trước, nhưng đối thủ thật sự của Tiến Minh có lẽ chỉ xuất hiện ở vòng tứ kết, đó chính là Simon Santoso (Indonesia), người đã loại Minh ở chính giải này năm trước. Một nhận định đơn giản như vậy, nếu không có tâm thế dõi theo một tay vợt hàng đầu, bạn sẽ không thể dám nghĩ đến. Sau cùng, nếu như trình độ tiếng Anh của bạn có thể dư sức lấy 550-600 TOEFL, thì bạn có còn phải nhọc công đi thi chứng chỉ A B C nữa không? Dù môn cầu lông ở SEA Games hoàn toàn không dễ ăn chút nào, nhưng xét tổng thể thì SEA Games là cái gì, nếu không phải là một rổ thành tích mông muội của các xứ mọi rợ? Từ bao giờ giấc mơ Việt Nam đã trở nên hèn hạ và rẻ rúng đến như vậy? Nếu chỉ cần chiến thắng bằng mọi giá, chúng ta nên đăng cai giải Đông Dương vận hội hàng năm. NẾu quan tâm đến vẻ đẹp đích thực của thể thao, hãy cùng dõi theo chàng trai cô đơn của chúng ta, những ngày này trên xứ Đài. sưu tầm