Trở thành tay vợt giàu thành tích nhất lịch sử với 60 danh hiệu nhưng Lee Chong Wei vẫn đang khao khát tấm HCV Olympic hơn bao giờ hết. Ngoi lên từ bùn lầy 21-15, 21-11, cuộc so tài tại chung kết China Open 2015 giữa Lee Chong Wei và Chen Long khép lại sau đúng 50 phút. Ít ai ngờ trận đấu giữa hai “ông lớn” lại hạ màn bằng một cái kết chóng vánh đến thế. Giới chuyên môn có lý do để xem đó là kết quả gây sốc bởi Lee Chong Wei thua Chen Long ở cả bốn lần gặp gần nhất từ giữa năm 2014 đến giữa năm 2015. Song điều quan trọng nhất là Chen Long đang có phong độ cực ổn định khi anh thâu tóm 6 trong tổng số 9 Super Series đã diễn ra tính tại thời điểm đó. Nhìn ánh mắt đầy phấn khởi của Lee bên trục chiến thắng với số tiền thưởng lên đến 52.500 USD, ít ai nghĩ rằng chỉ một năm trước anh còn đang trong thời gian chấp hành án phạt doping của BWF. Ngôi sao của Malaysia dương tính với chất dexamethasone (một chất có tác dụng kháng viêm nhưng lại nằm trong danh sách cấm) ở giải VĐTG 2014, bị “treo vợt” suốt tám tháng và có lúc tụt xuống hạng 180 thế giới. Lee Chong Wei bắt đầu trở lại hồi đầu tháng 5/2015 với hạng 46 thế giới. Sau chức vô địch China Open anh nhảy lên hạng 6 trên BXH của BWF – tức trong 6 tháng anh tăng đến 40 bậc. Trường hợp của Lee có lẽ đúng với câu nói bất hủ của Sir Alex: "Form is temporary, Class is forever " – tạm dịch: “Phong độ là nhất thời nhưng đẳng cấp là mãi mãi”. Cú “vỗ mặt” trên đất Trung Quốc Chiến thắng trước Chen Long giúp Lee lần đầu tiên trong sự nghiệp giành danh hiệu Super Series danh giá tại Trung Quốc. Trước đó ở bán kết anh gây “chấn động” khi vượt qua đối thủ “kỵ rơ” Lin Dan trong trận đấu nghẹt thở dài 92 phút với tỷ số 17-21, 21-19, 21-19. Đánh bại hai tay vợt sừng sỏ nhất Trung Quốc để lên ngôi trên chính sân nhà của họ có thể nói là cú “vỗ mặt” ấn tượng của Lee Chong Wei. Trước đó, Trung Quốc chưa bao giờ là mảnh đất lành với cựu tay vợt số một thế giới. Trong năm 2013, HLV Tey Seu Bock của Lee Chong Wei thậm chí còn tố chủ nhà Trung Quốc “chơi bẩn” (theo ông Bock, ban tổ chức đã cố tình tắt máy lạnh ở ván hai khiến Lee bị vọp bẻ và đuối sức) khiến Lee Chong Wei mất sức, qua đó thua ngược 1-2 và mất chức vô địch thế giới rơi vào tay Lin Dan. Chỉ một tuần sau danh hiệu China Open, Lee Chong Wei thêm lần nữa khiến Chen Long “khóc hận” khi ngược dòng hạ đàn em bằng tỷ số ấn tượng 13-21, 21-19, 21-15. Đó đã là danh hiệu thứ 60 trong sự nghiệp của Lee, đưa anh qua mặt Lin Dan (59 danh hiệu) để trở thành tay vợt giàu thành tích nhất trong lịch sử. Đoạn kết cho sự nghiệp lẫy lừng Lee mở đầu năm 2016 bằng thông báo về việc… giải nghệ trên tờ The Star. Anh khẳng định sẽ khép lại sự nghiệp vào cuối năm 2017: “Ban đầu tôi tính gác vợt sau Rio 2016. Tuy nhiên phía Liên đoàn cầu lông Malaysia cũng như BHL đã động viên tôi cố gắng thi đấu đến năm 2017. Đó chắc chắn là thời điểm tôi dừng lại với cầu lông.” Lee cũng đã lên kế hoạch cho những sự kiện lớn trong năm 2016: “Trong năm nay tôi sẽ dự Malaysia Master rồi sau đó là giải Toàn Anh vào tháng Ba. Hai giải Thụy Sỹ và Đức tôi vẫn đang cân nhắc có nên dự không, nhưng chắc chắn giải Malaysia Super Series vào tháng Tư tôi sẽ có mặt. Từ đó đến Olympic vào tháng Tám tôi chỉ tham gia từ 1 đến 2 giải nữa để duy trì cảm giác." Nói vậy nghĩa là chiến lược chinh phục “giấc mơ vàng” Olympic đã được Lee lên từ bây giờ. Đó, được xem là sự chuẩn bị cần thiết bởi anh chắc chắn không muốn một lần nữa nếm trải thất bại như ở Bắc Kinh 2008 và Luân Đôn 2012. Ăn thua ở tâm lý Tờ The Star (Malaysia) mới đây liệt kê chi tiết những ứng viên có thể giành HCV Olympic Rio 2016. Ngoài “đứa con cưng” Lee Chong Wei, danh sách còn xuất hiện những ngôi sao sáng giá nhất như Lin Dan, Chen Long (Trung Quốc), nhà vô địch Super Series Finals Kento Momota, Vikto Axelsen và Jan Jorgensen. Trong số này, Lin Dan vẫn là người được đánh giá cao nhất bất chấp phong độ của anh thời gian gần đây không tốt. “Lin Dan là đối thủ chính của Lee Chong Wei. Anh ấy là mẫu tay vợt có tinh thần thép và chính điều đó tạo nên khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Lin Dan sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên sân và nhờ đó tạo ra những đường cầu mà đối thủ không thể đoán được. Trong khi Chen Long, vốn mạnh ở thể hình nhưng lối chơi không đột biến bằng,” HLV Tey Seu Bock của Malaysia nói. BWF đưa ra một thống kê thú vị cho thấy Lee Chong Wei có lý do để dè chừng các tay vợt của Trung Quốc. Anh đang bị số một thế giới Chen Long dẫn 12-11 sau 23 lần đối đầu. Với Lin Dan sự chênh lệch càng thể hiện rõ hơn khi Lee chỉ thắng 10 trong số 35 lần gặp nhau. Trong khi đó tỷ lệ đối đầu của Lee trội hơn hẳn so với nhóm ứng viên còn lại. Cụ thể anh dẫn trước Momota 1-0, dẫn Axelsen 7-0 và dẫn Jorgensen 14-1. Những con số dù chỉ mang tính tham khảo nhưng đủ để khiến người hâm mộ Malaysia yên tâm nếu Lee rơi vào nhánh đấu có ba cái tên kể trên tại Brazil. “Vượt được các tay vợt Trung Quốc thì Lee sẽ vô địch,” một fan khẳng định chắc nịch trên diễn đàn cầu lông Badminton Central. Đại diện của Liên đoàn cầu lông Malaysia (BAM) cũng từng bật mí rằng họ đang lên một chiến lược dài hơi nhằm giúp Lee vượt qua những “khắc tinh” đến từ đất nước đông dân nhất thế giới. Thế nhưng những ai theo sát hành trình của Lee ở hai kỳ Olympic gần nhất đều phải công nhận một điều rằng không phải chiến thuật, mà “bài toán tâm lý” mới chính là điểm yếu lớn nhất của anh khi gặp Lin Dan. Ở Luân Đôn cách đây bốn năm, Lee thắng Lin Dan 21-15 trong ván đầu nhưng lại để đại kình địch “bật” lại với tỷ số 21-10, 21-19 ở hai ván sau. Đáng nói nhất là ván cuối, Lee dẫn 19-18 nhưng để Lin Dan ghi một mạch 3 điểm để thắng nghẹt thở 21-19. Trong 3 điểm cuối của Lin Dan, có đến 2 điểm do lỗi của Lee: một điểm phán đoán không chính xác và một điểm đưa cầu ra ngoài. “Đó là chức vô địch mà tôi ao ước từ rất lâu rồi. Tôi sẽ làm mọi điều có thể để chạm tay tới nó. Từ đây đến Olympic còn khoảng 7 tháng và tôi cần giữ sự tập trung ở mức cao nhất,” Lee Chong Wei nói. Theo Đức nam - TTVN