Tôi đi vào một bản người H'mông ở Si Ma Cai đúng vào lúc họ đang tập trung phá dỡ nhà mình. Đó là một căn nhà trình tường - nhà làm bằng đất nén huyền thoại của đồng bào thiểu số miền núi phía Bắc. Những bức tường được làm bằng đất nén lại, dày đến hơn nửa mét, mang màu vàng sậm, đã trở thành nét riêng của vùng núi này từ nhiều thế hệ qua. Nhà rất vững chãi, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Nhà trình tường ở nhiều nơi được kêu gọi bảo tồn. Nhưng hôm đó, tôi chứng kiến những người H'mông trong làng hăng say dùng sức phá tan những bức tường đất của họ. Họ làm điều đó dưới sự khuyến khích của chính quyền địa phương. Chính quyền muốn người dân xây nhà bằng gạch ba banh, thứ gạch rẻ tiền và vô cảm nhưng đảm bảo được tiêu chí “3 cứng”. Họ đang xây dựng nông thôn mới. Trong tiêu chí nhà ở nông thôn mới mà Bộ Xây dựng ban hành, tất nhiên đất đắp của người H'mông, người Tày, người Hà Nhì không được liệt kê. Để giải thích tại sao khuyến khích người H'mông phá nhà trình tường để xây lên những căn nhà gạch ba banh màu xám, thì cán bộ xã nói rất rành rọt về tiêu chí, về “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), với các vật liệu được Bộ Xây dựng liệt kê. Họ máy móc làm theo chủ trương từ trên. Cách đó không xa, một khoảng núi vừa được khoét ra, để xây lên một nhà văn hóa mới tinh, hai tầng, hoành tráng. Công trình có cả sân tập thể thao, để đồng bào có thể chơi cầu lông. Nhìn vào khoảng núi được khoét, đã thấy việc xây dựng công trình này tốn công thế nào ở địa hình nơi đây. Xóm làng đang xây dựng nông thôn mới. Tôi nhìn những người H'mông đang phăm phăm vác những khúc cây lớn đi trên sườn núi cheo leo, và hoang mang tự hỏi liệu đây có thật sự là những vận động viên phong trào của môn cầu lông; một sân tập thể thao trị giá hàng trăm con trâu tốt có ý nghĩa thế nào với những con người này. Tôi hỏi trưởng bản, rằng khi chưa có nhà văn hóa, thì bà con tập trung nghe chủ trương của nhà nước, và học khuyến nông ở đâu. Trưởng bản nói, ở sân nhà tôi đây thôi, họp thâu đêm suốt sáng cũng được. Tôi lại hỏi, thế có nhà văn hóa thì khác họp ở nhà trưởng bản ra sao? Ông bảo, thì trang trọng hơn. “Trang trọng hơn” không phải là một tiêu chí về lý thuyết của nông thôn mới, nhưng có lẽ nó đã là một tinh thần vẫn đang được triển khai. Năm 2010, chính phủ đề ra tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có mục tiêu là đến năm 2015 sẽ có 2.702 xã có “cơ sở vật chất văn hóa”. Đến năm 2015, số xã có nhà văn hóa theo chương trình là… 3.088, tức là vượt 14% kế hoạch. Việc xây nhà văn hóa chưa bao giờ được yêu thích đến thế. Chính đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây cũng thừa nhận rằng bộ tiêu chí nông thôn mới có nhiều điều không phù hợp với thực tế. Như chuyện cái nhà văn hóa, khu chơi thể thao, thật ra là điều rất không cần thiết ở nhiều địa phương. Hoặc thậm chí là việc buộc phải xây một cái chợ kiên cố, cũng không phù hợp với nhu cầu và tập quán của đồng bào ở nhiều vùng sâu. Nhưng để thực hiện máy móc các tiêu chí của “nông thôn mới”, rất nhiều địa phương đã không ngần ngại đi vay mượn để xây cơ sở hạ tầng - những cơ sở hạ tầng rất đáng ngờ về mục đích sử dụng. Nợ đọng xây dựng nông thôn mới, tính đến đầu tháng 10/2016, là 15.000 tỷ đồng. Bao nhiêu phần trong số đó thực sự được tiêu để tạo ra “nông thôn mới” theo nghĩa là cải thiện chất lượng sống, điều kiện sản xuất của bà con? Bao nhiêu phần trong số đó, thật ra là để phục vụ những tiêu chí hình thức? Và xin nhắc lại, đó chỉ là số tiền đang nợ chứ không phải tổng chi. Tôi đã gặp những lãnh đạo xã cương quyết không xây dựng nông thôn mới, hoặc thương lượng với cấp trên rằng “nông thôn mới” của họ không cần công trình này, công trình nọ vì không phù hợp với nhu cầu bà con. Họ hiểu rằng mỗi công trình xây lên đều là cả chục tỷ đồng. Nhưng số đó có lẽ không nhiều. Để có cái gọi là “đạt chuẩn nông thôn mới” nhiều vị chủ tịch sẵn sàng để lại cho nhiệm kỳ sau cả trăm tỷ đồng tiền nợ. Theo tôi, cần xem xét lại ngay các tiêu chí của “nông thôn mới” để nó không ngả theo hướng một phong trào hình thức và tốn kém, thậm chí là gây hại cho bà con, bởi vì những khoản nợ khủng khiếp để xây hạ tầng kia, chính họ sẽ phải trả trong tương lai. Hoặc giả, để đỡ phí tiền, những người H'mông nên bắt đầu nghĩ đến việc chơi cầu lông? Việc đó có thể tốt cho sức khỏe của họ hơn là leo núi hàng ngày. Theo VNexpress