Cứ mỗi kỳ SEA Games đến, những lời than phiền về chuyện trọng tài bất công lại nghe ra rả. SEA Games này ở Myanmar cũng thế. Đi xem môn thi đấu nào cũng thấy các VĐV Việt Nam than thở, nhiều VĐV là nhà vô địch thế giới lẫn châu lục, nhưng khi trở lại đấu trường khu vực nơi chúng ta vẫn gọi nôm na là “ao làng” thì lại thất bại. Những giọt nước mắt lăn dài trên má của những cô gái á quân thế giới karatedo, của nhà vô địch thế giới wushu Thanh Tùng... mới hôm rồi đến lượt nhà vô địch thế giới thể hình - Nguyễn Anh Thông cũng chỉ về thứ hai... Còn nhiều lắm những trường hợp “mất vàng” đáng tiếc như của Tiến Minh hay Như Quỳnh... lại không hiểu vì sao mình thất bại. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, SEA Games thực ra cũng chỉ là ngày hội của các quốc gia trong khu vực với mục đích giao lưu văn hóa là chính. Những chuyện bất công là điều mà mọi kỳ SEA Games đều có như vậy, hay nói cách khác nó đã trở thành “luật bất thành văn”. Tiến Minh đánh mất cơ hội tại Seagame 27.Thế nên, thay vì than phiền, tại sao trong suốt hai năm chuẩn bị cho một kỳ SEA Games chúng ta không sẵn sàng để đối phó với những chuyện mà chắc chắn sẽ diễn ra. Việc VĐV wushu Nguyễn Mạnh Quyền bị gãy côn khi thi đấu cho thấy công tác chuẩn bị kém của bản thân VĐV này và ban huấn luyện (BHL). Ngay cả thất bại của Tiến Minh cũng một phần nguyên nhân anh không có được sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như điểm rơi phong độ khi suốt một năm qua, Minh đã phải gồng mình tham gia rất nhiều giải đấu để bảo vệ vị trí trong top 10 thế giới. Nhà vô địch xe đạp SEA Games 26 - Đinh Thị Như Quỳnh cũng sẽ không phải khóc than chỉ vì đang trong “ngày của phụ nữ” lúc thi đấu nếu như BHL và VĐV có sự chuẩn bị tốt, bởi ở môn xe đạp các VĐV nữ vẫn được uống thuốc để tránh sự cố trong thời gian diễn ra thi đấu. NGỌC UYÊN - Công An