Hãy yêu họ nhiều hơn, ngay cả khi đội tuyển bóng đá nữ có bất ngờ vấp ngã ở SEA Games lần này, giống như những gì tay vợt Nguyễn Tiến Minh vừa trải qua. Hãy yêu bóng đá nữ nhiều hơn, ngay cả khi họ không thể đến được World Cup như đúng kỳ vọng khổng lồ trên vai mình. Yêu họ, vì họ đã phải vượt qua rất nhiều những hạn chế của thể thao Việt Nam nói chung, để khiến chúng ta tự hào. Yêu và cảm thông, hơn là chỉ trích mỗi khi họ vấp ngã, vì họ vốn đã rất cô đơn trên con đường khẳng định mình. Sự cô đơn của Tiến Minh khi anh bật khóc ngồi ở góc phòng. Những ánh flash “bắn” lia lịa xung quanh anh. Sau đó là một lời xin lỗi. Xin lỗi mà như chạy trốn. Xin lỗi mà như thú tội. Xin lỗi trong nỗi sợ hãi sự bất nhẫn của đám đông chỉ khi vui thì vỗ tay vào. Xin lỗi, dù anh… chẳng hề có lỗi. Có chăng, lỗi của Tiến Minh là anh đã mang về quá nhiều vinh quang ngoài mong đợi cho thể thao Việt. Anh âm thầm bước đi cả chục năm ròng bằng tất cả sự nỗ lực, hi sinh và cam chịu. Cam chịu sự ơ thờ của khán giả. Cam chịu sự tảng lờ tới đáng sợ của một nền thể thao cỗi cằn. Và cam chịu cả những lời bới móc ác ý khi anh “đánh rơi” cơ hội vào trận chung kết SEA Games hôm qua. Tiến Minh cần được cảm thông hơn những lời trách móc. Quang Nhựt Khởi nghiệp bằng những giải phong trào, Tiến Minh đã nỗ lực tột bậc để đưa thể thao Việt ra biển lớn. Nhưng anh lại bị chết chìm ngay trong “ao tù” SEA Games. Sự trớ trêu này là niềm đau của Tiến Minh. Niềm đau đơn độc, đơn độc như cả chục năm luyện tập, thi đấu trong sự nghiệp của anh. Những người hâm mộ đã không tiếc mỹ từ để nói về những tấm huy chương lấp lánh ánh vàng của Tiến Minh trước đây, giờ sao? Hoặc tắt TV và lãng quên Tiến Minh đang tức tưởi khóc một mình nơi góc phòng, hoặc xem những clip Tiến Minh hồi hộp trước giờ thi đấu, và chê trách điểm yếu về tâm lý của anh. Cũng vì thế, nỗi đau của Tiến Minh còn nhân lên gấp bội. Với các cô gái quần đùi áo số, những trận đấu trên sân cỏ không khốc liệt bằng trận chiến sinh nhai Hẳn nhiên những điều tương tự cũng sẽ xảy đến với các cô gái quần đùi áo số của tuyển bóng đá nữ Việt Nam nếu như các cô thất bại. Nhưng, với các cô, bóng đá là nhu cầu tự thân, mang vinh quang về cho Tổ quốc là phần thưởng "khủng" nhất mà các cô được hưởng. Rồi sau những trận thắng của những giải đấu tầm cỡ châu lục; các cô cũng lại trở về (và thường thi đấu không tốt) trong những trận đấu nhỏ, quanh ngôi nhà mình. Đó là trận đấu sinh nhai, "cơm- áo- gạo- tiền". Niềm đau đơn độc về sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại; giữa cống hiến và đáp đền; giữa khát vọng và thực tế lại hiện lên đầy ám ảnh ... Vậy tại sao những hạt giống tốt này vẫn nguyện gieo mình vào mảnh đất thể thao Việt Nam cỗi cằn, bạc phếch? Tiến Minh cũng như những cô gái trong tuyển nữ Việt Nam đã lựa chọn lối độc hành chỉ bởi một lý do duy nhất: Đam mê. Vì đam mê, họ chấp nhận tất cả, kể cả sự bội bạc của những người đã từng luôn miệng nói mến thương mình. Niềm đam mê, sự tận hiến vì màu cờ sắc áo rồi đau đớn trong đơn độc này của các VĐV đủ để chúng ta tạm gác bệnh thành tích trong một giải đấu ngập những tấm huy chương khó hiểu sang một bên và hướng về một mệnh lệnh lương tri duy nhất: Tiến Minh và các cầu thủ của tuyển bóng đá nữ Việt Nam là để yêu, để yêu biết chưa! Phạm Mỹ An - Thethaovanhoa.vn