Chiến tích giành 8 HCV, 8 lần phá kỷ lục SEA Games 28 của Nguyễn Thị Ánh Viên được báo chí trong nước và khu vực ca ngợi không ngớt. Ở chiều ngược lại, Nguyễn Tiến Minh dường như chỉ nhận được những cái lắc đầu thất vọng với trận thua trước một đối thủ mới 17 tuổi Loh Kean Yew. SEA Games 28 nhìn từ góc độ tổng thể là kỳ Đại hội thành công của Thể th ao Việt Nam. Dù vậy trong đó vẫn có những câu chuyện giữa “lần đầu” - “lần cuối”, giữa “đỉnh cao” - “vực thẳm” đáng để suy nghĩ. Ánh Viên – “Người hùng” của bơi lội Việt Nam Cách đây đúng 10 năm tại SEA Games 23 diễn ra ở Philippines, Nguyễn Hữu Việt trở thành người hùng của bơi lội Việt Nam khi giành HCV nội dung 100m ếch. Chiếc huy chương lịch sử của Hữu Việt chính thức giải “cơn khát vàng” của bơi lội Việt Nam ở khu vực. Trước đó kình ngư gần nhất giành một tấm HCV là “tiền bối” Phan Kế Nhơn, giành HCV cũng ở nội dung 100 ếch ở SEAP Games 1959. Ánh Viên tỏa sáng ở SEA Games 28 với 8 HCV. Ảnh: Quang Thắng. Thời điểm Hữu Việt làm dậy sóng đường đua xanh khu vực, Ánh Viên còn là một cô bé đen nhẻm, chân tay dài lều khều, bơi như con “lăng quăng” theo lời của HLV Đặng Anh Tuấn. Vốn từng là một tay bơi cự phách trong quá khứ, HLV Anh Tuấn đã nhìn ra viên ngọc thô Ánh Viên và quả quyết “đây là người học trò mà tôi đang tìm”. Dưới bàn tay của ông thầy tài năng này, Ánh Viên khuynh đảo giải bơi các nhóm tuổi quốc gia. Rồi khiến cả làng bơi khu vực “bàng hoàng” với việc thâu tóm liên tiếp các huy chương danh giá ở giải bơi trẻ khu vực và châu lục. Thế rồi như một cơ duyên mang tính chu kỳ, Ánh Viên bùng nổ ở SEA Games 28 – đúng 10 năm kể từ khi Hữu Việt lên ngôi. Kình ngư sinh năm 1996 giành 8 HCV, tám lần phá kỷ lục SEA Games và trở thành “VĐV nước ngoài xuất sắc nhất” SEA Games. Ở tuổi 19, Ánh Viên đang được đầu tư mạnh tay nhằm hướng đến mục tiêu vàng ở đấu trường thế giới và Olympic của thể thao Việt Nam. Trong 3 năm qua, số tiền đầu tư cho Ánh Viên đã chạm ngưỡng 7 tỷ đồng – tức bằng với tổng kinh phí 3 năm của cả bộ môn bơi lội. Tiến Minh – “Người hùng” của cầu lông Việt Nam Tiến Minh là tay vợt Việt Nam duy nhất giành HCĐ giải VĐTG. Ảnh: Internet. Tiến Minh xuất thân trong gia đình không có truyền thống thể thao và đến với cầu lông theo con đường “tự thân vận động” là chính. Năm 2002 ở tuổi 19, Tiến Minh chính thức xác lập sự thống trị ở sân chơi quốc nội khi đánh bại đàn anh Nguyễn Phú Cường để giành chức vô địch. Cho đến nay Tiến Minh vẫn đang là nhà đương kim vô địch quốc gia – giữ kỷ lục 13 lần liên tiếp lên ngôi. Tiến Minh cũng là người mang lại nhiều cái “đầu tiên” và nhiều cái “nhất” cho thể thao Việt Nam. Người đầu tiên có mặt trong top 50 thế giới (năm 2006), tay vợt Việt Nam đầu tiên chơi ở Olympic (2008). Trong năm 2010 có lúc Tiến Minh đạt tới hạng 5. Dù ở top 5 không lâu nhưng sự thăng tiến nhảy vọt của tay vợt sinh năm 1983 đã giúp hình ảnh của cầu lông Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế. Năm 2013 Tiến Minh giành HCĐ giải VĐTG danh giá. Tất nhiên anh cũng là tay vợt Việt Nam đầu tiên làm được điều này. Chuyện Tiến Minh, Ánh Viên hậu SEA Games Ánh Viên, 19 tuổi, xét về vai vế có thể gọi Tiến Minh bằng “chú”. Khi Tiến Minh đang ở thời đỉnh cao thì Ánh Viên vẫn miệt mài trui rèn để trở thành một ngôi sao lớn. Ngược lại, thời điểm hiện tại khi Ánh Viên đang ở những ngày sung sức nhất sự nghiệp thì Tiến Minh đã ở bên kia sườn dốc vinh quang. Cùng tham dự một kỳ SEA Games nhưng cách mà họ “hạ màn” trái ngược rất nhiều. Ánh Viên đang ở thời điểm hạnh phúc nhất sự nghiệp với tràn ngập những lời chúc thắng lợi. Trong khi Tiến Minh, sau cú sốc gục ngã trước đối thủ mới 17 tuổi Loh Kean Yew ở trận mở màn SEA Games 28, ít nhiều phải đối diện với những cái lắc đầu thất vọng từ người hâm mộ. Sự kỳ vọng cho những ngôi sao lớn luôn là đòi hỏi chính đáng từ khán giả trước mỗi giải đấu lớn, tất nhiên trường hợp Ánh Viên và Tiến Minh cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên khác với những phân tích, mổ xẻ chuyên sâu về chiến thuật, về chiến thắng của Ánh Viên, người ta chỉ nói đến thất bại của Tiến Minh bằng những cụm từ hết sức gói gọn: “bị tâm lý”, “đuối thể lực”. “Mỗi khi ra sân bản thân tôi luôn là người muốn giành chiến thắng đầu tiên để tặng người hâm mộ. Nhưng đôi khi điều đó còn phụ thuộc vào đối thủ nữa. Có những trận tôi chơi dù rất hay nhưng vẫn thua, khi đó báo chí cho là tôi “bị tâm lý” nên liên tục đánh hỏng. Lẽ ra người ta phải phân tích nhiều hơn đến chiến thuật của cả hai, về cách tiếp cận trận đấu và những thời điểm có bước ngoặt. Những người không xem trực tiếp khi tiếp nhận thông tin sẽ nghĩ Tiến Minh bao giờ cũng yếu tâm lý.” Tiến Minh đã nói như thế khi thất bại ở bán kết giải cầu lông Vietnam Open 2014. Ánh Viên trở về trong vòng vây người hâm mộ. Ảnh: Đình Viên. Kỳ thực, Tiến Minh và Ánh Viên không thuộc cùng một thế hệ nên việc so sánh đơn thuần giữa họ thôi đã rất khập khiễng. Huống hồ bơi lội, môn thi đấu thuộc hệ thống Olympic, ít nhiều được chú trọng hơn so với cầu lông. Nên nhớ Ánh Viên được đầu tư cách đây 3 năm – tức khi mới chỉ 15-16 tuổi. Kình ngư người Cần Thơ trải qua những chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ với kinh phí vài tỷ đồng mỗi năm. Quả ngọt thu về tất nhiên là những tấm huy chương ở châu lục, khu vực và không nói đâu xa là 8 HCV SEA Games 28. Hình ảnh Tiến Minh (áo vàng) đơn độc tại nhiều giải đấu đã là "chuyện thường ngày ở huyện". Ảnh cắt từ video. Trong khi đó con đường đến với chuyên nghiệp của Tiến Minh chỉ bắt đầu khi anh 19 tuổi. Trong vòng tám năm, từ hạng 252 thế giới năm 2002, Tiến Minh đạt hạng 5 thế giới năm 2010. Đáng nói hơn những kết quả đó đều đến từ nỗ lực “tự thân vận động” của tay vợt người TP. HCM. Con đường thành công của Ánh Viên ngoài chuyện kinh phí còn nhận được sự hậu thuẫn của người thầy, người cha là HLV Đặng Anh Tuấn. Ông thầy nổi danh khó tính này có hẳn một biểu đồ về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tâm lý thi đấu cho Ánh Viên. Trong khi đó hình ảnh tiến minh “một mình một ngựa” tham dự các giải đấu đã là điều bình thường, đôi khi đến mức…hiển nhiên. Anh từng chia sẻ bản thân cực kỳ chạnh lòng khi nhìn các đồng nghiệp nước ngoài thi đấu với ê kíp gồm 3-4 người, gồm cả HLV, chuyên gia tâm lý, thể lực. Ánh Viên hay Tiến Minh, nói cho cùng đều là những tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam. Họ đã, hoặc đang cống hiến không mệt mỏi cho thể thao nước nhà. Đời VĐV rất ngắn, ai cũng có một thời đỉnh cao. Thế nên đừng vì thành tích chói lọi của người này mà vô tình lãng quên những kỳ tích của người kia. Ánh Viên hay, song Tiến Minh cũng từng một thời rất hay. Nguồn: Nam Anh - Thể thao Việt Nam
Nếu Tiến Minh cũng được đầu tư tập huấn dài hạn như Ánh Viên thì cũng có huy chương vàng Seagame lâu rùi.
"Huống hồ bơi lội, môn thi đấu thuộc hệ thống Olympic, ít nhiều được chú trọng hơn so với cầu lông." Không hiểu ý của Add.