Nhiều năm qua, những người tâm huyết với cầu lông VN đã kêu gào khản cổ về một cuộc cải cách để lấp khoảng trống mênh mông thời hậu Nguyễn Tiến Minh. Từ đó, dù đã lấp lánh vài niềm hi vọng nhưng chặng đường “hóa rồng” vẫn còn rất xa... Trong lúc các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan luôn có nhiều tay vợt trong tốp 25 thế giới để phải chia ra tham dự các giải đấu, thì cầu lông VN chỉ có duy nhất Nguyễn Tiến Minh. Ở tuổi 31, Tiến Minh bắt đầu đánh thua nhiều hơn thắng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tiến Minh chia sẻ: “Tôi chẳng vui gì khi hàng chục năm qua vẫn không tìm được đối thủ tại VN. Nhiều giải trong hệ thống quốc gia tôi muốn thi đấu để cống hiến cho người hâm mộ nhưng cuối cùng lại thôi, để dành cơ hội cho các tay vợt trẻ bởi nếu dự chắc chắn tôi lại vô địch”. Tiến Minh chọn Phạm Cao Cường Là tay vợt VN duy nhất vươn đến đẳng cấp thế giới, đủ chuẩn dự những giải thuộc hệ thống Grand Prix hay Super Series của Liên đoàn Cầu lông thế giới, Tiến Minh là tay vợt duy nhất VN có thể sống khỏe bằng nghề với những khoản tiền thưởng, lương “cứng” từ các nhà tài trợ Kawasaki, Becamex... lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Trong khi đó, hầu hết VĐV khác chỉ lây lất với tiền công tập luyện, tiền thưởng quốc gia vài triệu đồng/tháng. Và không ít lần báo chí VN “la làng” hiện tượng bỏ cuộc hoặc chỉ đánh có lệ khi gặp Tiến Minh của các tay vợt VN. Bấy nhiêu đủ nói lên sự chênh lệch giữa Tiến Minh và phần còn lại của cầu lông VN. Thực tế, trên bảng xếp hạng thế giới Tiến Minh (hạng 10) có khoảng cách rất xa với những tay vợt VN tiếp theo: Phạm Cao Cường (hạng 242), Nguyễn Hoàng Nam (hạng 358), Lê Hà Anh (hạng 394). Tuy nhiên, chỉ tay vợt 18 tuổi Phạm Cao Cường (tay vợt VN duy nhất vào đến vòng 2 Giải vô địch châu Á diễn ra tại Hàn Quốc) được Tiến Minh đánh giá hội đủ các yếu tố để trở thành “truyền nhân” của mình. Tiến Minh nói: “VN không thiếu tài năng cầu lông. Vấn đề là nhiều người trong số đó thiếu điều kiện để có thể phát triển tài năng. Từ đây, phần lớn VĐV cầu lông ít ai sống được bằng nghề. Theo tôi, VĐV cầu lông ở VN chỉ sống được bằng nghề nếu vào tốp 20 thế giới. Hiện nay chỉ Cao Cường có điều kiện tốt để phát triển”. Thật vậy, cầu lông VN có không ít tài năng trẻ tố chất không kém Cao Cường như Đỗ Tuấn Đức, Võ Bảo Thiện, Nguyễn Đình Tuấn Kiệt. Ở nữ là Vũ Thị Trang và Lê Thu Huyền. Dù không được đầu tư bài bản, Vũ Thị Trang đã tấn công vào tốp 100 thế giới và từng có những trận đấu để đời trước các đối thủ ở tốp 20 thế giới. Tuy nhiên, đa số các tay vợt này đều sớm chựng lại về chuyên môn. Lợi thế đầu tiên của Cao Cường so với Tiến Minh là thể hình rất lý tưởng (Cao Cường cao 1,81m, trong khi Tiến Minh cao 1,69m). Nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn tài chính từ gia đình, “quy trình” đầu tư phát triển của Cao Cường cũng tốt hơn Tiến Minh rất nhiều. Cụ thể, sau khi tạo tiếng vang trong nước Tiến Minh mới được đầu tư mạnh khi đã xấp xỉ tuổi 20. Và anh phải mất hơn bảy năm (từ 2002-2009) mới có thể tấn công vào tốp 20 thế giới. Còn với Cao Cường, ngay từ nhỏ đã được tập huấn dài hạn tại Indonesia cùng chuyên gia Asep Suharno, người góp công đặt nền tảng cho thành công của Tiến Minh và góp phần đào tạo nhiều tay vợt nổi tiếng thế giới như Taufik Hidayat, Sony Dwi Kuncoro, Simon Santoso. Tiến Minh nhận xét: “So với tôi, Cao Cường có lợi thế thể hình tốt, kỹ thuật khá hoàn chỉnh nhờ được trui rèn trong môi trường tập luyện hàng đầu thế giới của Indonesia từ rất sớm. 18 tuổi, Cao Cường đã tiếp cận cầu lông hiện đại thế giới, thi đấu với nhiều đối tượng, phong cách khác nhau...”. Nhưng khi được hỏi liệu Cao Cường có đủ sức thay thế mình trong tương lai hay không, Tiến Minh đáp: “Từ hạng 7 trẻ thế giới lên hàng đầu thế giới là quãng đường rất dài và chông gai, cần sự nỗ lực rất lớn. Cầu lông bây giờ khác xưa rất nhiều. Các tay vợt trẻ hiện nay tiến bộ nhanh và trình độ cao hơn chúng tôi trước đây nhờ được đầu tư bài bản, khoa học với sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Không ít tay vợt tốp 20 thế giới hiện nay chỉ hơn Cao Cường 1-2 tuổi. Do đó dù có điều kiện tốt, nhưng việc Cao Cường có thành công hay không còn phụ thuộc quá trình phấn đấu ở tương lai. Tôi cũng mong mọi người đừng quá “tung hô” Cao Cường trong thời điểm này bởi đó sẽ trở thành áp lực không nhỏ cho Cao Cường”. Liên đoàn cần “động” hơn Như vậy, cầu lông VN cũng đã thấy bóng dáng “truyền nhân” của Tiến Minh là Cao Cường. Tuy nhiên, một nền thể thao không chỉ trông mong vào một ngôi sao. Vấn đề của cầu lông VN là phải làm công tác đào tạo một cách bài bản để có nhiều Tiến Minh tương lai. Khó khăn đầu tiên của cầu lông VN là thiếu HLV giỏi, thật sự yêu nghề, có phương pháp sư phạm để định hướng cho VĐV trên con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp. Hầu như chưa có HLV cầu lông VN nào được đào tạo ở nước tiên tiến mà đa số xuất thân từ VĐV. Họ truyền đạt cho thế hệ sau bằng kinh nghiệm thực tế rút tỉa từ những trận đấu trong nước của mình nên rất khó để thế hệ VĐV sau này vươn ra quốc tế. Và cứ thế, cầu lông VN sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Gần đây, Liên đoàn Cầu lông VN (VBF) đã có bước tiến trong chuyện kiếm tiền từ kêu gọi tài trợ để tổ chức một số giải đấu có tiền thưởng khá hấp dẫn (so với thể thao VN) lên đến hàng chục triệu đồng cho chức vô địch. Tuy nhiên, VBF và bộ môn thuộc Tổng cục TDTT vẫn còn khá thụ động trong việc kiếm tài trợ, huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho các tài năng trẻ. Ngoài ra, VBF cần kéo về VN ngày càng nhiều giải quốc tế đẳng cấp, tương tự giải VN mở rộng thuộc hệ thống Grand Prix của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Đây sẽ là yếu tố then chốt khơi gợi niềm đam mê và kéo người dân đến sân, từ đó phát triển phong trào và thu hút nhân tài đến với cầu lông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách phát triển của Indonesia hay Malaysia là làm người dân đam mê cầu lông bằng xây dựng VĐV ngôi sao, rồi phát triển sâu rộng với nhiều CLB cầu lông, tổ chức nhiều giải đấu cấp CLB, các giải lứa tuổi trẻ để HLV phát hiện tài năng. Khi đã vào các tuyến năng khiếu, dự tuyển thì VĐV được đãi ngộ cao, liên đoàn chuẩn bị sẵn cho họ những bản hợp đồng tài trợ nhiều tiền với các thương hiệu lớn... Đồng thời, quy trình đào thải cũng khắc nghiệt để khơi gợi sự phấn đấu của VĐV. VŨ QUANG - Tuổi Trẻ.
Giá mà có 1 học viện cầu lông đào tạo bài bản như kiểu học viện bóng đá của HAGL ở VN thì hay biết mấy, hy vọng tài năng trẻ Cao Cường sẽ vượt bậc hơn nữa.