Được xem như một trong những giải đấu quan trọng của thế giới chỉ đứng sau World Championship và Olympics, lại thuộc hệ thống của Super Series Premier - Yonex All England chẳng khác nào một "miếng bánh" thơm ngon đối với các vận động viên cầu lông. Chính vì lẽ đó, trận chung kết Yonex All England 2014 năm nay chính là một màn trình diễn vô cùng đẳng cấp đến từ những tay vợt mạnh nhất hành tinh. Như thường lệ, chúng ta có 5 nội dung cần được phân tích: _ ĐÔI NỮ: Xin được bình luận về nội dung đôi nữ trước, vì có lẽ đây là một trận đấu hay và tuyệt vời nhất trong tất cả 5 nội dung. Với kinh nghiệm thi đấu lâu năm cùng với sức mạnh của mình, không có gì là khó hiểu khi hiện diện hai cái tên quen thuộc là Yu Yang / Wang Xiaoli của Trung Quốc. Cứ tưởng rằng đôi nữ số 1 thế giới này sẽ chiến thắng một cách dễ dàng, nhưng suýt chút nữa thì họ đã thất bại trước hai tay vợt đồng hương là Ma Jin / Tang Yuanting. Sự kết hợp mới mẻ trong chiến thuật cùng với sức trẻ, rõ ràng Ma Jin và Tang Yuanting đã gây không ít khó khăn cho hai đàn chị. Ở set đấu thứ 3, sự giằng co thật quyết liệt khi hai bên bám sát nhau từng điểm số, sự dồi dào trong thể lực của Wang Xiaoli khi tung ra những cú đập liên tiếp đã khiến Ma Jin phải chống đỡ vô cùng vất vả, bên cạnh đó Yu Yang lại chứng tỏ mình là một tấm chắn rất kiên cố khi cô chơi phòng thủ quá tuyệt vời. Và khi đến điểm số quyết định 21-21, sự căng thẳng đã hiện rõ trên gương mặt Ma Jin, lợi dụng đòn thế tâm lý, cặp đôi Yu Yang / Wang Xiaoli đã giành chiến thắng một cách dứt khoát ở tỉ số 23-21, bổ sung thêm chức vô địch Toàn Anh 2014 ở nội dung đôi nữ vào sự nghiệp của mình. Dù thua cuộc, nhưng lọt được vào đến chung kết và đi đến 1 tỉ số sát sao như thế thì chứng tỏ Ma Jin và Tang Yuanting cũng đã quá thành công rồi. Hy vọng Ma Jin sẽ khắc phục được điểm yếu về tâm lý và giành chiến thắng ở những giải đấu sau. _ ĐÔI NAM: Một lần nữa, đôi nam Mohammad Ahsan / Hendra Setiawan của Indonesia lại chứng tỏ được sự thống trị tối cao của mình trong làng cầu lông thế giới khi đoạt chức vô địch giải Toàn Anh lần này. Trận đấu giữa đương kim vô địch thế giới 2013 với hai tay vợt đến từ Nhật Bản là Hiroyuki Endo / Kenichi Hayakawa đã thực sự làm mãn nhãn hết tất cả hàng triệu khán giả trên toàn thế giới. Với tốc độ, phản xạ cùng lối đánh đầy hiểm hóc, Mohammad Ahsan / Hendra Setiawan sẽ luôn là một bài toán khó tìm lời giải đáp cho bất cứ đôi vợt nam nào khác. Hendra Setiawan thường khiến đối thủ khó chịu ở những trái cầu tạt ngang lưới và bỏ nhỏ chéo góc cực kỳ chính xác, còn Mohammad Ahsan thì vẫn trung thành với những cú đập cầu mạnh mẽ đầy hoang dại. Hơn nữa, khi chơi thiên ở lối phòng thủ, Hiroyuki Endo và Kenichi Hayakawa vô tình đã tạo cho đối phương nhiều cơ hội để tấn công, mặc dù hai tay vợt Nhật Bản này cũng sở hữu một chiến thuật khá ấn tượng. Tỉ số 21-19 ở cả 2 set đấu một phần nào cũng nói lên được sự ngang tài ngang sức của 4 tay vợt. Xin được chúc mừng Mohammad Ahsan và Hendra Setiawan! _ ĐÔI NAM-NỮ: Nói vui một chút, nhưng trận đấu giữa Zhang Nan / Zhao Yunlei của Trung Quốc với Tontowi Ahmad / Liliyana Natsir chẳng khác nào một trường hợp "oan gia ngõ hẹp". Nếu nhớ không lầm thì trận đấu ở vòng chung kết giải Toàn Anh 2014 này là lần thứ 10 mà cả 4 tay vợt này gặp nhau. Sẽ không thể nói được cặp đôi nào xuất sắc hơn mặc dù Zhang Nan và Zhao Yunlei đang giữ vị trí số 1 thế giới; nhưng cặp đôi của Indonesia là Ahmad và Natsir cũng không kém vì ở trận đấu này họ đã quá ấn tượng khi trình diễn một lối đánh hoàn toàn áp đảo trước hai tay vợt đến từ Trung Quốc. Không hiểu vì lý do gì mà ở set đấu thứ nhất, Zhang Nan lại đánh cầu lỗi quá nhiều, để dẫn đến thua một tỉ số khá cách biệt là 21-13. Sang đến set đấu thứ hai thì lỗi đánh hỏng lại nghiêng về Zhao Yunlei, cô xử lý không thành công ở những pha cầu cuối sân, khiến cho đối thủ khai thác quá dễ dàng. Đồng thời tay vợt Tontowi Ahmad của Indonesia lại rất hay đưa cầu vào giữa cặp đôi Trung Quốc, khiến cho họ thật sự lúng túng. Liliyana Natsir thì lại chộp lấy những đường cầu nửa sân mà tung ra nhiều cú đập mạnh mẽ. Và cứ nắm được điểm yếu của đối phương, cặp đôi của Indonesia hoàn toàn tự tin mang về chiến thắng cho mình. _ ĐÔI NỮ: Trước tiên, tôi phải nói lời chúc mừng đến Wang Shixian của Trung Quốc, tay vợt nữ sở hữu một gương mặt khả ái cùng với lối đánh đầy tinh tế và thông minh. Chiến thắng được Li Xuerui - tay vợt thống trị số 1 thế giới nhiều năm liền, sẽ là một kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp của Wang Shixian. Không phải vì có thiện cảm với Wang Shixian mà tôi dành nhiều lời có cánh, nhưng rõ ràng ai cũng thấy được là cô đánh quá nghệ thuật. Mặc dù bước chạy của Wang Shixian còn hơi chút nặng nề, hoặc di chuyển chưa được thanh thoát như Li Xuerui hay Wang Yihan; nhưng bù lại cô có một cổ tay rất khỏe và thật sự dẻo dai. Wang Shixian là "nữ hoàng" của những đường cầu chéo góc sát lưới, bên cạnh một lối đánh biến hóa không ngừng. Dường như có một chút chủ quan ở Li Xuerui, nên cô đã để chiến thắng rơi vào tay Wang Shixian với tỉ số suýt sao là 21-19 và 21-18. "Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi", hy vọng ở những giải đấu sau, Li Xuerui sẽ chứng minh thành ngữ ấy là đúng. Một lần nữa, xin được chúc mừng Wang Shixian, tôi thích nụ cười và tiếng thét của cô lúc chiến thắng! _ ĐƠN NAM: Trước khi trận đấu đỉnh cao này diễn ra, chắc khoảng hơn 80% khán giả dự đoán rằng Chen Long sẽ lại chiến thắng trước Lee Chong Wei. Nghĩ như vậy cũng không sai khi mà trong những lần đụng độ gần đây, Lee Chong Wei đều thất bại; rõ ràng Chen Long đang minh chứng cho thế giới thấy rằng: Anh hoàn toàn có thể lật đổ được ngôi vương số 1 thế giới của tay vợt người Malaysia. Liệu có dễ dàng không khi ở vòng chung kết đơn nam Toàn Anh 2014 này, Lee Chong Wei đã trả lời bằng một trận đấu hoàn toàn thuyết phục. Bình tĩnh, kiên nhẫn, thông minh và mạnh mẽ là những gì người xem có thể thấy được trong chiến thuật lần này của Lee Chong Wei. Anh thường điều cầu về hai hướng của góc sân, khiến Chen Long di chuyển nhiều rồi ghi điểm những cú đập sát biên đẹp mắt. Bên cạnh đó, Lee Chong Wei còn áp dụng lối đánh phông cầu liên tục để giằng co với đối thủ mà Lin Dan từng áp dụng; anh cũng nhẹ nhàng, chậm rãi đưa cầu ở cự ly sát lưới và bỏ nhỏ chéo góc để khai thác điểm yếu của đối thủ. Nếu xét về thể lực, có thể Chen Long sẽ nhỉnh hơn Lee Chong Wei, còn xét về kinh nghiệm xử lý đường cầu và cân bằng tâm lý thì chắc chắn chưa thể sánh bằng tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei. Không khó để thấy Chen Long đã mất bình tĩnh trước những pha cầu lỗi và khó chịu ra mặt trước sự cổ vũ của khán giả trên khán đài dành cho Lee Chong Wei. Nhưng rõ ràng là trong trận đấu này Lee Chong Wei đã chơi quá hay, Chen Long đã bị bắt bài ngay từ set đấu thứ nhất. Khuất phục đối thủ với tỉ số 21-13 và 21-18, chiến thắng lần này sẽ khiến cho Lee Chong Wei có thêm động lực và tự tin hơn rất nhiều ở những giải đấu lớn trong tương lai, đặc biệt là những trận đấu với tay vợt Lin Dan đầy duyên nợ. Xin được chúc mừng Lee Chong Wei! * Đây chỉ là một bài viết bình luận theo kiến thức và cảm nhận của riêng cá nhân tôi - một người đam mê môn cầu lông. Chính vì thế chắc chắn sẽ có một vài điểm chưa đồng cảm với những độc giả khác, đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng tôi tin rằng các bạn sẽ thấy được những cảm xúc, những tình cảm mà tôi dành cho các tay vợt nói riêng và dành cho bộ môn cầu lông nói chung. Không mơ ước gì xa vời, chỉ mong rằng các bạn đừng bao giờ từ bỏ môn cầu lông này khi một đại diện duy nhất của nước ta liên tiếp gặp thất bại trong những thời gian gần đây, chắc các bạn hiểu tôi đang nói đến ai mà phải không? Nếu không thể trở thành tay vợt số 1 Việt Nam hoặc một tay vợt xếp hạng 7, hạng 8 trên thế giới thì ít nhất bạn cũng hãy trở thành một người giữ lửa cho môn cầu lông, hãy trở thành một người mang niềm cảm hứng đến cho nhiều người khác. Nghĩ nhiều lúc cũng thấy mình có lỗi và lạ lùng, bởi vì môn thể thao nào đó mà khiến tôi đã từng bỏ mặc người yêu mình cả ngày Chủ Nhật để theo dõi các vòng đấu của giải Super Series; khiến Tôi phải xin nghỉ làm ở công ty nhiều ngày để vào Nhà Thi Đấu Phan Đình Phùng ngồi cổ vũ cho các tay vợt ở giải Vietnam Open 2013; làm Tôi phải quên đi cánh tay đau, cãi lời dặn của bác sĩ để nhận lời thách đấu từ những tay vợt mạnh chỉ với mong muốn mình sẽ được thêm kinh nghiệm trong lối đánh; và cũng khiến Tôi đã từng đặt cây vợt yêu thích mà mình vừa để dành tiền mua được kế chiếc gối rồi sờ nó và ngủ ngon lành; đến sáng thức dậy, tôi lại mỉm cười vì trông thấy nó thật rực rỡ. Đó chính là môn cầu lông. Vâng! và chỉ có thể duy nhất là môn cầu lông. Man Huynh.
Bài viết hay quá, nhất là đoạn note phía cuối. Số 1 cao nhât bao giờ cũng được vun đắp từ những viên gạch thấp nhất, cũng như đỉnh kim tự tháp vậy. Hãy cứ đam mê, truyền cảm hứng cho những người khác, rồi một ngày chúng ta sẽ có số 1.
LCW đánh trận với Chen Long thấy hay, lúc đánh với Shon Wan Ho mình thấy có chút lo lắng. Set 1 Lee đánh rắn, nhanh nên bị đối phương bắt được đa số (từ trái thứ 5) và Lee đánh bị lỗi khá nhiều nên set 1 thua khá thảm với vận động viên 1st. Set 2 & 3 thì đánh điềm đạm hơn nên đã thắng 2 set sau. Trong top 10 thì mình thấy chỉ đánh phủ đầu được với: Jan O JORGENSEN, Tommy SUGIARTO, Boonsak PONSANA, Tien Minh NGUYEN, WANG Zhengming, Marc ZWIEBLER đặc biệt là Boonsak PONSANA, Tien Minh NGUYEN. Thấy LCW đánh áp đảo mà thấy thương cho đối thủ. LCW có lối đánh nhanh, mạnh nhưng đã có tuổi rồi nên không còn ở định cao nên mình nghĩ chắc anh ấy phải thay đổi lối đánh với các VĐV trẻ vừa có kỹ thuật và vừa có thể lực (Chen Long, Kenichi TAGO, SON Wan Ho, Tian Houwei...). Và mình thấy lối chánh như Lin Dan hiện tại là ổn. Rất nhẹ và điềm đạm, lúc mạnh thì như bão giật cấp 12. Mình chỉ mê đánh đơn nên chỉ góp ý vài dòng cảm nhận về trận cầu đơn. Có thể đánh liên tục 2, 3 giờ (2 người) nhưng vẫn còn trình độ rất gà. Mong được ACE mê đánh đơi chỉ giáo thêm. Bác này cho hỏi câu Nobita xíu là BB có phải là BlackBerry?