Trong số các "phụ kiện" của dân cầu lông có lẽ giày chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Sở dĩ gọi là "phụ kiện" vì trong thực tế chắc chắn các bạn đã có lúc thấy người ta vẫn có thể chơi cầu lông được mà không cần ... mang giày (nghĩa là đi chân không vào sân đánh cầu)! Nhưng mặt khác, "phụ kiện" này lại hết sức quan trọng vì, chưa nói đến sự "đỏm dáng, điệu đàng" mà đôi giày mang lại cho chủ nhân của nó, "phụ kiện" này bảo vệ cho đôi chân của người chơi khỏi những chấn thương thể thao. Không những vậy "phụ kiện" giày còn giúp phát huy được hết sức mạnh, tốc độ cũng như kỹ thuật của người chơi. Vậy thì, tuy là "phụ kiện", ta cũng nên chọn lựa một đôi giày "tốt tốt" một chút phải không? Muốn vậy, có một số tiêu chí để lựa chọn giày (chơi cầu lông) ta nên chú ý sau đây. I.Trước tiên nên biết về cấu trúc giày thể thao: -Giày thể thao gồm những cấu trúc chính- 1. Outsole: Là phần đế giày lớp bên ngoài (tiếp xúc với mặt đất). Chức năng của lớp outsole là chống mài mòn, tạo nên sự bám mặt sân và giảm chấn cho gót chân, bàn chân và cả khung xương. Outsole thường được làm bởi một trong hai loại vật liệu sau: Blown Rubber và Hard Carbon Rubber. Blown Rubber là một loại cao su xốp nhẹ, mềm và dễ bị mòn; thường được đặt ở phần trước của giày hay mũi giày. Còn Hard Carbon Rubber là một loại cao su cứng, nặng, và chịu đựng sự mài mòn tốt; thường được đặt ở phần gót giày. 2. Midsole: Là đế giày lớp giữa (phần nối outsole với phần giày bên trên - Upper). Midsole là phần quan trọng nhất của các loại giày thể thao, có chức năng kiểm soát di chuyển của bàn chân (ở phía bên trong giày), tạo nên một lớp đệm làm êm bàn chân và giảm chấn. Thường lớp midsole được làm bởi một trong hai loại vật liệu là EVA (ethylene vinyl acetate) và PU (polyurethane). EVA có tác dụng như lớp đệm, làm giảm chấn tốt. EVA nhẹ nên thường được sử dụng trong sản xuất giày, nhưng cũng có điểm yếu là dễ đứt gãy, không bền. Còn PU thì cứng chắc hơn, nặng hơn và cũng bền hơn nhưng tác động giảm chấn kém. 3. Upper: Là phần giày bên trên, được khâu hay dán keo vào đế giày lớp giữa (midsole). Phần upper thường được làm bằng một trong ba loại vật liệu sau: Calvas (chất liệu có thể giữ chân mát mẻ, nhưng lại ít đi kèm các hỗ trợ giảm chấn, chống xoay lật bàn chân), Da (chất liệu có khả năng hỗ trợ tốt nhất và luôn giữ cho chân khô ráo do khả năng hút ẩm cao, nhưng đắt tiền) và Vinyl (chất liệu cũng có thể tạo ra khả năng hỗ trợ tương tự như chất liệu da, khả năng thấm mồ hôi rất tốt, song nó lại gây ra cảm giác ít thoải mái hơn và có thể tạo cho người chơi cảm giác bị nóng). 4. Midsole Cushioning Devices: Là các cấu trúc đệm, làm giảm chấn lên bàn chân, làm giảm khả năng lật cổ chân (overpronation) khi mang giày chạy. Cấu trúc này thường được các nhà sản xuất đặt ở bên trong lớp giữa của đế giày, và nằm ở phía bờ cong lõm, phía trong bàn chân (arch side, phần Arch Support). 5. Midsole Stability Devices: Là các cấu trúc có tác dụng giữ ổn định bàn chân và bảo vệ gót chân khichạy, chống hay giảm thiểu sự xoay lật gót chân. Heel Counter là một cấu trúc như vậy, thường phải cứng để định vị tốt gót chân, chống sự di chuyển quá mức của gót chân trong giày. 6. Achilles Tendon Protector: Là cấu trúc bảo vệ phần gân gót, đồng thời giúp tạo cảm giác mang giày ôm chân thoải mái. Tìm hiểu về bàn chân của bạn: Có ba loại bàn chân: Normal Arch (gan bàn chân hơi lõm), Pes Cavus (còn gọi là High Arch, gan bàn chân rất lõm), và Pes Planus (còn gọi là Flatfoot, bàn chân bẹt, gan bàn chân không lõm). Ba loại bàn chân sẽ có ba dấu chân hoàn toàn khác nhau. Trong ba loại bàn chân trên, loại Normal Arch được xem là loại bàn chân có sự thăng bằng hoạt động nhất, trong khi hai mẫu bàn chân còn lại được "liệt" vào nhóm dễ bị chấn thương. Người ta cũng thấy có sự tương quan giữa hình dạng bàn chân và cấu tạo khung xương chi dưới. Mỗi nhóm hình thái bàn chân-khung xương được đề nghị một "kiểu" giày khác nhau. III. Chọn giày chơi cầu lông Khi đã biết qua cấu tạo (tiêu chuẩn) của một đôi giày thể thao, ta có thể chọn cho mình một đôi giày chơi cầu lông bằng cách xem xét các yếu tố sau đây. (Chú ý rằng có nhiều thiết kế giày phù hợp với nhiều loại hình thể thao khác nhau). 1. Đế giày - Mua loại giày có đế mỏng bàn chân sẽ vững vàng hơn khi chạy. Các loại đế giày dày thường có khuynh hướng dễ dẫn đến chấn thương bàn chân, cổ chân hơn do tính ổn định thấp hơn (bàn chân cách ly mặt đất nhiều hơn). - Chọn loại đế giày có phần gót khá cứng (để chống mài mòn) và phần phía trước phía mũi giày khá mềm (để giảm chấn, êm chân). - Chọn loại giày đế có nhiều rãnh để tăng súc bám dính mặt sân. 2. Trọng lượng giày Chọn loại giày nhẹ giúp di chuyển nhanh, gọn và uyển chuyển hơn. 3. Kích thước (size) Chọn một đôi giày vừa với bàn chân là quan trọng để có cảm giác thoải mái, tự nhiên khi mang và tránh được chấn thương. Giày rộng quá có thể dễ bị té khi chạy, hay là bị ... sút giày! Giày chật quá sẽ làm đau tức bàn chân, ngón chân hay trầy xước cổ chân, ... (Khi thử giày, nếu gót chân đã sát phía sau, phía trước mũi giày còn khoảng trống có thể dùng ngón tay đè xẹp xuống là giày quá rộng. Hay, cử động các đầu ngón chân trong giày, nếu các đầu ngón chân không nhúc nhích được dễ dàng là dày quá chật.) Lưu ý là khi chọn giày nên mang loại vớ thường sử dụng để bảo đảm khi chân mang vớ và mang giày hoàn toàn vừa khít với nhau. 4. Giày có thiết kế tiêu chuẩn Giày có thiết kế tiêu chuẩn tức là có những thiết kế giảm chấn, chống xoay lật cổ chân, gót chân, thông khí, hấp thu ẩm, phù hợp hình thái bàn chân, ... . Tuy nhiên những hiệu giày có "tên tuổi" hay tương đối đắt tiền thì gần như đã bảo đảm cho người sử dụng điều này. Nên, chắc là ta không cần phải lo! 5. Giá cả Dĩ nhiên mua cái gì cũng phải có "ngân lượng". Do đó yếu tố giá cả luôn phải được xem xét có phù hợp túi tiền của mình hay không. 6. Hợp sở thích riêng Sở thích riêng đây là nói đến ý thích về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, nhãn hiệu, ... những yếu tố mà mỗi người có thể có sự lưa chọn khác nhau. Sau khi đã chọn được đôi giày / loại giày thoả mãn 6 yếu tố trên, thì yếu tố thứ 6 này hoàn toàn được lựa chọn tự do theo ý thích cá nhân. Tổng Hợp.