Chấn thương khớp vai ở người chơi cầu lông tuy ít hơn những chấn thương khớp ở phần dưới cơ thể (khớp gối, khớp cổ chân) nhưng cũng không phải là hiếm hoi. Nếu bạn có cảm giác đau ở vai, hãy để ý xem: - Khớp vai của bạn có bị cứng không? Bạn có thể xoay khớp vai một cách bình thường không? - Bạn có thấy bị giảm sức mạnh của các cú đánh khi cần vận dụng đến khớp vai không (ví dụ, không thể đập cầu)? - Bạn có thấy khớp vai mình như bị lỏng lẻo, các xương không “ăn” vào với nhau? Nếu bạn tự trả lời “dường như CÓ”, chỉ cần một trong các câu hỏi trên, và nhất là khi các triệu chứng trên kéo dài nhiều tuần lễ, bạn cần đi khám tại một bác sĩ chuyên về chấn thương thể thao rồi đó! 1. Cấu trúc giải phẫu của khớp vai Khớp vai có ba xương: xương vai, xương cánh tay và xương đòn; có nhiều cơ quan trọng trong đó đáng chú ý nhất là cơ chóp xoay (rotator cuff muscles), một cơ thường bị chấn thương trong chơi cầu lông. Xương đòn và xương cánh tay “tụ” về xương vai và liên kết với nhau trong những ổ khớp, bao khớp và dây chằng. Tất cả những thành phần vừa được liệt kê trên, một khi có “vấn đề” đều mang lại cảm giác đau và giới hạn cử động khớp vai. …………………………………… 2. Những chấn thương khớp vai thường gặp Trong môn chơi cầu lông, chấn thương khớp vai không thường ở các xương, mà thường ở các dây chằng và đặc biệt là ở cơ chóp xoay (rotator cuff muscles). Cơ chóp xoay là một trong những thành phần quan trọng nhất của khớp vai. Đó là một tập hợp của những bó cơ và gân giữ nhiệm vụ “ràng buộc” các xương trong khớp vai lại với nhau, giúp ta có thể nâng cánh tay lên và vói tay qua khỏi đầu. Chấn thương khớp vai trong chơi cầu lông thường do những vận động quá sức và lặp đi lặp lại tác động lên khớp trong một thời gian dài (overuse shoulder injury). Một vài loại chấn thương khớp vai do vận động quá sức có thể kể đến như: - Viêm bao khớp vai (Bursitis). Có các dấu hiệu đau khi vận động khớp vai, khớp vai bị sưng, nhìn thấy một vùng đỏ trên khớp vai, sờ da thấy ấm. Có thể điều trị viêm bao khớp vai bằng cách cho khớp vai nghỉ ngơi và chườm lạnh lên khớp. Nếu có sưng đỏ ở vùng khớp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Tổn thương các gân cơ ở khớp vai (Tendinopathy). Có hai loại tổn thương là: tendinitis (viêm gân cơ, ít gặp) và tendinosis (xơ rách gân cơ, thường gặp). Chẩn đoán phân biệt giữa hai loại tổn thương này xin dành cho … bác sĩ chuyên khoa. Bạn chỉ cần nhớ dấu hiệu chung của hai bệnh là đau khi cử động, khớp có vẻ lỏng lẻo và giảm sức mạnh. Điều trị tổn thương gân cơ khớp vai cũng bao gồm nghỉ vận động, chườm lạnh và dùng thuốc giảm đau. Các trường hợp xơ rách gân cơ cần thời gian nghỉ kéo dài nhiều tháng hơn trường hợp bị viêm và khả năng hồi phục hoàn toàn lại ít hơn. - Chấn thương gân cơ chóp xoay (Rotator Cuff Injury) được liệt kê riêng vì chức năng vận động quan trọng của cơ chóp xoay và tính phổ biến của chấn thương. Một chấn thương cơ chóp xoay nhgiệm trọng có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của một vận động viên cầu lông chuyên nghiệp. Như trên đã nói, cơ chóp xoay có nhiệm vụ “ràng buộc” các xương trong khớp vai lại với nhau, giúp ta có thể nâng cánh tay lên và vói tay qua khỏi đầu hay di chuyển tay qua nhiều hướng khác nhau. Các triệu chứng của chấn thương gân cơ chóp xoay: Đau cả khi nghỉ ngơi, nhất là khi nằm nghiêng đè lên vai bị chấn thương. Đau tăng lên khi mang vật nặng, nhấc tay lên, hạ tay xuống hay di chuyển tay. Bệnh nhân thấy khớp vai có vẻ yếu, không mang xách được vật nặng. Để chẩn đoán xác định bác sĩ, ngoài việc khám lâm sàng, sẽ cần các xét nghiệm như phim x-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay nội soi khớp vai. 3. Đề phòng chấn thương khớp vai a. Luôn khởi động kỹ khớp vai (và các khớp, cơ khác) trước khi chơi cầu lông. Xem “Khởi động và thả lỏng hồi phục cơ thể“. b. Tránh thực hiện thường xuyên hay liên tục những động tác quá sức của mình, tạo áp lực quá lớn lên khớp vai (đập cầu, đánh cầu chéo đầu, …). c. Mang dụng cụ hỗ trợ khớp vai (shoulder support brace). Nếu bạn cảm thấy khớp vai của mình có vẻ bị “yếu”, thấy đau nhẹ khi chơi, hoặc khớp vai đã có tiền sử chấn thương và vừa mới điều trị bạn có thể mang thêm dụng cụ hỗ trợ khớp vai như hình dưới. Các dụng cụ này giúp khớp ổn định hơn và giúp giới hạn phần nào biên độ hoạt động của khớp và cơ. Nên nhớ, mang các dụng cụ hỗ trợ này không phải là biện pháp để điều trị chấn thương vai. Chúng chỉ giúp khớp vai có thể vận động trong một chừng mực nhất định dưới mức bình thường và trong một phạm vi biên độ có thể kiểm soát được. d. Băng dán khớp vai (shoulder taping). Các loại băng dán, ngoài việc giúp phần nào giới hạn hoạt động khớp còn có tác dụng giúp mau hồi phục những chấn thương gân cơ ở khớp (do sự thẩm thấu của những dược chất qua da). Tổng hợp từ Internet.
Có anh em nào biết mua cái dụng cụ hỗ trợ khớp vai (shoulder support brace) ở đâu không ? (Trong TPHCM nha). Thank ace nhiều.