Phong độ thất thường, chưa bao giờ thành công ở SEA Games như mong đợi, Tiến Minh phải hứng chịu không ít những chỉ trích. Lại sắp đến SEA Games, Tiến Minh chính là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc. * Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Anh đã bao giờ hy vọng rồi thất vọng về Tiến Minh chưa? - Hồng Ngọc: Thú thật là tôi không ham mê môn cầu lông, và hầu như không biết chơi môn này dù cũng hiểu cơ bản về nó. Nhưng Tiến Minh làm tôi cố gắng xem mỗi khi có thể. Anh làm tôi hy vọng nhiều, còn thất vọng thì không! * Phong độ thất thường, liên tục thất bại ở đấu trường mà chúng ta mong đợi nhất là SEA Games, và hay thua trước những đối thủ có vị trí thấp hơn? - Cầu lông là môn thi đấu có cường độ rất cao, đòi hỏi tình trạng thể lực hoàn hảo và trạng thái tâm lý tập trung cao độ. Chỉ cần trạng thái thể lực hay tâm lý không hoàn hảo, phong độ sẽ sút giảm ngay lập tức. Làm thế nào để vận động viên ở trạng thái gần như luôn hoàn hảo như đòi hỏi? Đó là vấn đề của khoa học thể thao, gồm dinh dưỡng, chuẩn bị thể lực trước mùa giải và cho từng giải, hồi phục sau trận đấu, việc cọ xát thường xuyên để trau dồi kinh nghiệm và rèn luyện tâm lý thi đấu. Tất cả những thứ đó, thể thao Việt Nam ở đâu? Chúng ta không có tên trong bảng xếp hạng về khoa học thể thao trên thế giới, còn Tiến Minh thì có mặt ở Top đầu trong bảng xếp hạng cầu lông thế giới. Những tay vợt hàng đầu thế giới, nhất là của các cường quốc cầu lông như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, và mới đây có thêm Ấn Độ, thường có cả một ê-kíp theo cùng, để chuẩn bị cho họ từng bữa ăn, theo sát từng buổi tập, trợ giúp họ hồi phục sau từng trận đấu. Còn Tiến Minh thì cứ tự... “xách ba lô lên đường và thi đấu”. Vì thế, nếu một lúc nào đó anh không kịp hồi phục hoặc hắt hơi xổ mũi, anh có thể thua một tay vợt có thứ hạng thấp hơn. Cây vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei cũng có thể hắt hơi xổ mũi để rồi thua Tiến Minh, nhưng điều đó ít xảy ra hơn. * Tâm lý thi đấu của Tiến Minh cũng có vấn đề. Anh hay thất bại trước những thời điểm quan trọng? - Tôi biết Tiến Minh từng bị dẫn 15-20 nhưng vượt lên thắng set đó 22-20. Rõ ràng tâm lý của anh không tầm thường. Nhưng chúng ta không thể đòi hỏi anh phải có tâm lý vững vàng như Lin Dan hay Lee Chong Wei. Tâm lý thi đấu là một cái gì đó còn bí ẩn. Ví dụ như hệ thống tuyển chọn năng khiếu bóng bàn Trung Quốc đặt tâm lý thi đấu là yếu tố số 1, vì họ quan niệm tâm lý thi đấu là thứ không đào tạo được, còn kỹ chiến thuật thì sẽ đào tạo được. Bản thân tôi cũng là người có tâm lý thi đấu kém nên dễ hiểu và cảm thông với điều đó (cười). Cứ vào thi đấu một giải dù chỉ là nghiệp dư, là tim cứ đập loạn xạ cả lên! Kể cả hồi mới lên truyền hình bình luận trực tiếp cũng vậy. Phải mất hàng năm trời lên hình khá thường xuyên để vượt qua cảm giác đó. * Nghĩa là có thể khắc phục được trạng thái tâm lý? - Có thể, với điều kiện là được cọ xát thường xuyên. Nhưng có những việc mà cả đời ta chỉ có một vài lần được đối diện, thì lấy đâu ra cơ hội cọ xát để vững vàng hơn! Nên nếu Tiến Minh thua ở bán kết một giải đấu lớn trước những tay vợt có tâm lý thi đấu lì lợm bẩm sinh, ta hãy cảm thông với anh thay vì chỉ trích. * Chúng ta hãy chuyển sang một đề tài khác. Tiến Minh từng phát biểu rằng dư luận không công bằng với anh khi đòi hỏi và chỉ trích anh quá nhiều trong khi anh được đầu tư rất ít so với các đối thủ hàng đầu. Nhưng với thể thao Việt Nam thì anh được đầu tư rất nhiều, và thu nhập của anh là mơ ước với các vận động viên thể thao khác? - Thật ra thì Tiến Minh phải thi đấu với các vận động viên cầu lông quốc tế, chứ không phải cạnh tranh với các vận động viên thể thao Việt Nam khác, nên chúng ta cần loại trừ phép so sánh sau của anh. Tiến Minh tự đào tạo và trưởng thành từ phong trào, và đến tuổi 18 mới quyết định theo cầu lông đỉnh cao, và chỉ 1 năm sau thì anh vô địch quốc gia. Tức là anh hầu như không được đầu tư ở giai đoạn đào tạo. Trong khi hầu hết các VĐV thể thao đỉnh cao của chúng ta ở các môn quan trọng đều được nuôi gà nòi từ bé, nhất là thể dục dụng cụ, wushu hay bóng đá. Mức thu nhập của Tiến Minh tôi vẫn cho rằng không tương xứng với vị trí mà anh giành được trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới. Về thu nhập, tôi nghĩ các cầu thủ bóng đá ở V-League nên xấu hổ với Tiến Minh, vì họ chẳng là gì trong thế giới bóng đá nhưng nhiều người còn có thu nhập cao hơn anh. * So sánh đó phải chăng là khập khiễng? Bóng đá là môn thể thao toàn cầu, có vị trí “vua” còn cầu lông chỉ là môn thể thao khu vực và cũng không thực sự hấp dẫn với nhiều người? - Đúng là cầu lông không thể so với bóng đá hay tennis về mức độ phổ biến trên thế giới cũng như được quan tâm ở Việt Nam. Nhưng cầu lông có thể xem như tennis của châu Á vậy. Nó là môn thể thao quốc gia của Indonesia và cả Malaysia. Vì vậy, chiếc huy chương đồng thế giới cầu lông mà Tiến Minh giành được không thể bị so với những tấm huy chương về wushu hay thể hình. Nó cực kỳ đáng trân trọng. Và không phải nhờ Tiến Minh ăn may, khi anh duy trì vị trí rất ổn định trong Top 10 các tay vợt hàng đầu thế giới trong 4 năm qua, có lúc đã leo tới vị trí số 5. * Nhưng tại sao Tiến Minh liên tục thất bại ở SEA Games, ngay cả khi tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei không tham dự? - Như tôi đã nói, Đông Nam Á là khu vực khởi phát của cầu lông. Còn chúng ta chẳng có nền tảng đào tạo nào ra hồn về cầu lông, nên so sánh với họ trong môn này là điều khôi hài. Tiến Minh giành được gì nổi bật thì chủ yếu là nhờ vào nỗ lực của anh. Ở Việt Nam, anh là tay vợt cô đơn, có cần quân xanh chất lượng để luyện tập cũng không thuận lợi như các nước nói trên. Nếu Tiến Minh có thất bại ở đấu trường Olympic, ASIAD hay SEA Games thì cũng là điều có thể thông cảm, thay vì thất vọng hay chỉ trích anh. Vì thể thao Việt Nam mắc nợ anh, chứ không phải ngược lại, khi anh vươn tới tầm rất cao nhờ nỗ lực cá nhân hơn là nhờ sự đào tạo và trợ giúp từ một nền thể thao. * Vâng, đó là món nợ mà thể thao Việt Nam không hề dễ trả cho Tiến Minh cũng như nhiều ngôi sao khác vươn lên nhờ nội lực của bản thân thay vì kiểu “đầu tư đến đâu, huy chương tới đó”... Và đó cũng sẽ là đề tài mà Cà phê thể thao chắc chắn sẽ có dịp bàn sâu hơn với anh. Xin cảm ơn! theo Thể thao Văn hóa cuối tuần
"thể thao Việt Nam mắc nợ anh, chứ không phải ngược lại, khi anh vươn tới tầm rất cao nhờ nỗ lực cá nhân hơn là nhờ sự đào tạo và trợ giúp từ một nền thể thao" Hoan hô nhà báo Hồng Ngọc, rất tâm đắc bài trả lời của anh....
"thể thao Việt Nam mắc nợ anh, chứ không phải ngược lại, khi anh vươn tới tầm rất cao nhờ nỗ lực cá nhân hơn là nhờ sự đào tạo và trợ giúp từ một nền thể thao" không thể hay hơn, rất tâm đắc câu này