[h=1]Nguyên nhân lãng xẹt khiến Quốc Toàn mất huy chương!!!!!![/h] Tiếng cổ vũ quá to của hai du học sinh Việt Nam tại Anh trong đêm thi đấu nội dung 56kg, khiến Quốc Toàn mất tập trung. Quốc Toàn thất vọng sau khi hụt huy chương Olympic. Ảnh: Thế Vinh. Đã có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra sau tấm huy chương hụt của lực sĩ người Đà Nẵng. Có ý kiến cho rằng Quốc Toàn đã không có chiến thuật hợp lý, ý kiến khác khẳng định VĐV Việt Nam không thi đấu đúng sức mình, trong khi có người lại cho rằng Quốc Toàn kém may mắn. Tuy nhiên, tiết lộ mới đây từ Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, khiến tất cả phải “sốc”. Ông Giang là người cũng có mặt trong đêm Quốc Toàn thi đấu. Việc lực sĩ này đánh rơi huy chương, theo ông Giang, là rất thua oan uổng. Chẳng là lúc Toàn đang tập trung thực hiện ở nội dung cử giật, cả nhà thi đấu im lặng nhưng bất ngờ ở một góc, có hai du học sinh Việt Nam đã hô rất to: “Việt Nam vô địch, Việt Nam vô địch”. Chính sự “phá bĩnh” vô tình này đã khiến lực sĩ người Việt Nam không giữ được tập trung, thậm chí bị tâm lý. Không biết đó có phải là lý do chính khiến Quốc Toàn phải lần thứ 3 mới nâng được mức cử giật 125kg hay không, nhưng nếu quả thật Toàn bị hai du học sinh Việt Nam làm cho bị mất huy chương, thì đúng là “quân ta hại quân mình”. Đây thực sự là câu chuyện hy hữu với đoàn thể thao Việt Nam trong những lần tham dự sân chơi Olympic. Mai Hương
Xem thêm bài này nè con: Văn hóa hoan hô ở London Đi xem giải tennis Thế vận hội London ở sân Wimbledon nổi tiếng, tôi chứng kiến và cũng nhiệt tình tham gia các màn vỗ tay của người xem cho ba tay vợt nổi tiếng để thấy văn hóa ‘cổ động viên’ các nước cũng thật khác nhau. Khu vực quanh các sân tennis ở Wimbledon là nơi picnic Đây cũng là dịp nhắc tới thói hò hét vô lối của một số bạn Việt Nam có thể đã gây hại cho vận động viên Olympics nước này, theo lời kể lại. Sức hút của các vì sao Tôi đến sân Wimbledon từ trước giờ thi đấu vòng loại hôm Chủ Nhật 29/7 để cùng hàng nghìn người Anh và người xem đủ mọi quốc gia chiêm ngưỡng các nhân vật nổi tiếng mà từ xưa mới chỉ thấy trên TV. Vừa qua vòng kiểm tra an ninh, bước vào khu sân tennis đã thấy ngay Roger Federer tập dượt cùng Stanislas Wawrinka ở một trong nhiều sân ngoài trời. Hai tay vợt Thuỵ Sĩ cùng tập trước giờ Wawrinka vào đấu vòng loại với Andy Murray của Anh và Federer có mặt hôm nay chỉ để ủng hộ cho bạn và người đồng hương. Sau 12 giờ, các sân ngoài trời bắt đầu vào những trận như đôi nữ của Lý Na và Trương Soái của Trung Quốc gặp cặp đối thủ Argentina. Ngay sân bên là cuộc đấu vòng loại đơn nam với Marcos Baghdatis (Cyprus) và Go Soeda (Nhật Bản). Trừ vài sân lớn khác và nhất là sân Centre Court có mái che mà tôi sẽ nói đến sau, nhiều sân tennis của Wimbledon nằm ngoài trời, các lối đi xung quanh đầy người xúm xít xem và chụp ảnh các ngôi sao của tennis thế giới. Nhìn các sân thi đấu nhỏ đẹp, phủ cỏ xanh và xung quanh trồng hoa như các ngôi vườn ngay khu sang trọng Wimbledon, tôi đã tưởng văn hóa đấu và xem tennis trong yên lặng mới đúng kiểu Ăng-lê. Trên đồi cỏ Henman thuộc khoảnh đất của Câu lạc bộ Quần vợt trên cỏ Anh Quốc (All England Lawn Tennis and Croquet Club) người dân tổ chức picnic giữa trời nắng, vừa nghỉ trên cỏ, vừa xem tennis trên màn hình to hoặc nhìn xuống một số sân ở dưới. Nhưng khi vào chỗ có vé của mình ở sân trong nhà, Centre Court thì tôi lại thấy cả một không khí khác. Sân Centre Court là sân duy nhất có mái che để thi đấu khi thời tiết xấu Trước trận Agnieszka Radwanska (Ba Lan) gặp Julia Goerges (Đức), tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ loa và hai màn hình rộng ở góc sân khiến hàng nghìn người trên khán đài vòng quanh cũng phấn chấn theo. Trong số người xem có người vẫn cờ Ba Lan, cờ Đức nhưng không quá ồn ào. Người xem, đa số là dân Anh, ủng hộ công bằng cho cả hai cô gái trẻ. Nhưng sang trận Andy Murray gặp Stanislas Wawrinka thì không khí rùng rùng chuyển động. Sự hưng phấn như bùng lên và cờ Liên hiệp Vương quốc Anh cùng cờ xứ Scotland, quê hương của Andy Murray, tung bay. Nhưng kỷ luật trên sân khiến tôi thán phục cả người xem và ban tổ chức. Mỗi khi các cây vợt hết giờ nghỉ và quay lại sân mà trên khán đàn vẫn còn ồn ào vì người xem nói chuyện, ăn uống và đi lại, trọng tài chỉ cần nói “Take your seat, thank you!” (Đề nghị ngồi xuống ghế, xin cảm ơn!), là tiếng ồn giảm đi tới mức im bặt. Các đợt vỗ tay cũng vậy. Chúng dịu ngay xuống sau khi trọng tài nhắc rất nhẹ “Thanh you”. "Chỉ mong sao hô không quá lâu" Nhưng cũng có cảnh hò hét hoặc lời hô khuyến khích các vận động viên. Vào lúc 16:14, khi Andy Murray dẫn trước với tỷ số 5:3 nhưng có nguy cơ tụt dốc trước sức lên của Stanislas Wawrinka, tiếng la “Come on Andy” (Cố lên Andy) rộ lên sau một cú mất bóng của vận động viên Scotland. Thú vị nhất là ngay sau lưng tôi có một cậu bé đi xem cùng cha. Cậu này luôn ủng hộ ai đang thua. Khi nghe ai hô ‘Come on Andy”, cậu bé lập tức hét “Come on Wawrinka”. Tôi cứ ngỡ cậu bé là người Thuỵ Sĩ nhưng không phải vậy. Sharapova chia thời gian giữa những giây tĩnh tâm và hưng phấn Với tiếng Anh trong sáng, cậu lại hô “Come on Peer” khi ở trận sau đó, cô Shahar Peer của Israel bị đường bóng của Maria Sharapova, đại diện cho Nga quần thảo tung cả tóc và váy. Tiếng hô lạc lõng Nhưng những tiếng hô chỉ còn thú vị khi không quá chói, quá to. Một ông người Nga ngồi ngay sau tôi, khoác áo đỏ có dòng chữ Russia (là vận động viên hay cổ động viên?) như không biết ‘thủ tục’ tế nhị đó ở xứ Anh. Ngay từ đầu trận của Sharapova, ông ta gào liên tục: “Davai Masha” vang khắp sân. Những người Anh xung quanh chỉ quay sang nhìn một cách ý nhị. Có lúc Sharapova thắng một set, ông người Nga sướng quá hát rống lên “Rossyia, Vpieriod!” (Nước Nga tiến lên!). Tiếng cười rộ xung quanh nhanh chóng biến thành nét nhăn mặt khó chịu. Tôi quay sang bà người Anh bên cạnh bình một câu nhỏ, “So amusing” (Khá buồn cười), và được nghe câu đáp đầy chất hài hước Ăng-lê “Chỉ mong sao không quá lâu”. Điều đáng chú ý là một cặp người Israel sau khi thấy ông người Nga hò hét liên tục và to quá đã kéo lá cờ sao David của họ và dẫn cô con gái biến khỏi chỗ ngồi gần đó để đi sang chỗ còn trống khác, an toàn hơn về ‘âm thanh’. Như thế, tiếng hò hét có thể tạo cảm giác đe dọa. Tôi không rõ trên sân, Maria Sharapova trong trang phục màu nước Nga, váy thân màu đỏ, lưng có một vạch xanh, váy màu trắng có phản ứng gì trước tiếng hô mà chắc chắn cô nghe rất rõ. Nhưng tôi để ý thấy cây vợt trẻ đẹp này sau mỗi lần ra bóng đều quay lại hướng về bảng cuối sân, đi ba bốn bước như tĩnh tâm rồi mới quay lại base line để phát bóng. Cũng liên quan đến vỗ tay và hò hét nơi sân thi đấu, tôi được nghe chuyện tiếng hô to thô lỗ có thể làm hại cho một quốc gia như Việt Nam. Một quan chức trong đoàn Olympics từ Hà Nội sang London cho hay ông không hài lòng với tiếng hô “Việt Nam cố lên!” trong ngày thi đấu thiếu may mắn của Trần Lê Quốc Toàn. Theo lời kể thì khi vận động viên cử tạ từ Đà Nẵng bắt đầu nhấc tạ thì có mấy bạn trẻ Việt Nam, chắc là sinh viên, đã gào to khiến lực sỹ của Việt Nam mất đi một vài tích tắc tập trung tâm trí rất cần thiết. Tiếng hô tiếp theo “Toàn ơi cố lên!” lạc lõng giữa không khí lặng thinh ở cả arena trước khi các vận động viên vào cuộc đã phá mất cân bằng tâm lý của người thi đấu, theo đánh giá của quan chức thể thao có mặt. Tất nhiên, khó có thể nói đó là lý do duy nhất khiến Trần Lê Quốc Toàn trượt mất huy chương đồng trong ngày 29/7. Nhưng có lẽ điều chắc chắn là các bạn Việt Nam kia, giống như ông người Nga tôi thấy đã hành xử vô ý thức và nghĩ rằng đi xem là dịp để thể hiện cảm xúc riêng, gào cho sướng nơi công cộng, bất chấp tác động xấu với người thi đấu. Họ quên rằng tại các nhà thi đấu cũng cần có văn hóa, cần ứng xử đó là ‘Đúng lúc, đúng chỗ’, nhất là ở một xã hội tôn trọng sự ý nhị như Anh. Trần Lê Quốc Toàn đã mất cơ hội huy chương ở London