Không đối thủ xứng tầm trong nước, thiếu HLV và đội ngũ săn sóc viên hùng hậu hỗ trợ khi chinh chiến ở nước ngoài..., con đường sự nghiệp mà Nguyễn Tiến Minh đã và đang sải bước có quá nhiều những cái một mình như vậy. Chuyến đi đến Brazil sắp tới sẽ là kỳ Olympic thứ ba liên tiếp Tiến Minh góp mặt. Lịch sử thể thao Việt Nam chưa có VĐV nào làm được điều này, và cũng chưa có VĐV nào có thể đạt đến đẳng cấp thế giới và trụ lại ở đó lâu như Tiến Minh. Thành công vô tiền khoáng hậu ấy mang lại cho anh nhiều hợp đồng thương mại giá trị, giúp anh có thể đứng vững và chuyên tâm lo cho sự nghiệp đỉnh cao của bản thân. Đến giờ, làng thể thao Việt Nam cũng chưa có VĐV nào kiếm được tiền tỷ bằng thương hiệu của chính bản thân trong thời gian dài như Tiến Minh. "Độc mã" với các kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Nhưng Tiến Minh lại "đơn thương" trên con đường sự nghiệp. Anh là một trường hợp độc và lạ của cầu lông thế giới. Tiến Minh khởi đầu chỉ là một vận động viên phong trào, chứ không phải "gà nòi" được đào tạo từ bé. Mãi đến 18 tuổi, anh mới chính thức theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Thế nên, việc anh có mặt ở top 10 thế giới đã làm cả làng cầu lông thế giới ngạc nhiên khi so sánh Tiến Minh với các đối thủ ngang tầm khác. Cầu lông, với Tiến Minh, là niềm đam mê của cuộc đời, và đó cũng là động lực để anh vượt khó, gắn bó với môn thể thao này. Khi đẳng cấp đã vươn đến tầm thế giới, Tiến Minh phải đối diện với thực tế ngược ngạo: không HLV trong nước nào đủ tầm để chỉ đạo chuyên môn cho anh. Có chăng, cũng chỉ là hỗ trợ phần nào đó, chứ có muốn cũng không thể hơn, vì sự chênh lệch về trình độ là quá lớn. Đã có gần một năm, các nhà chức trách đã chi tiền thuê chuyên gia Indonesia, Asep Suharto sang huấn luyện cho Tiến Minh. Cũng đã có vài kế hoạch tìm "quân xanh" đẳng cấp tập cùng anh cho lên tay. Nhưng sau đó, chuyện đâu lại vào đấy, chỉ vì kinh phí. Tiến Minh phải chấp nhận cảnh tập chay không giáo án chuyên biệt. Cảnh tập luyện thường thấy của tay vợt số một Việt Nam là chấp cùng lúc hai hoặc ba đàn em. "Phải tập mà không có chuyên gia kinh nghiệm, nhưng bù lại Tiến Minh có khả năng tự phát hiện và hoàn thiện khuyết điểm của bản thân. Cũng có khi cậu ấy chán nản, nhưng vì mê cầu lông, Tiến Minh cứ ra sân tập miệt mài, đến khi mệt thì về nghỉ. Đam mê đã giúp cậu ấy tự giác tập luyện và tuyệt đối nghiêm túc với sự nghiệp của bản thân, bất chấp nhiều rào cản", bà Huỳnh Ngọc Liên, phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP HCM nói về việc tập luyện của Tiến Minh. Câu chuyện "kinh phí" tiếp tục nối dài với các chuyến thi đấu nước ngoài. Để giữ vị trí trên bảng tổng sắp thế giới, mỗi năm Tiến Minh phải xuất ngoại, đánh trung bình khoảng 15 giải lớn nhỏ. Và anh hầu hết phải đi một mình, vì kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ đủ để hỗ trợ cho một suất của Tiến Minh. Thỉnh thoảng, anh mới có người đi hỗ trợ, là bà Huỳnh Ngọc Liên, người được xem như "người mẹ thứ hai" của Tiến Minh. Nhưng sự hiện diện của bà Liên cũng chỉ giúp Tiến Minh phần nào giải quyết bài toán tâm lý, hay hỗ trợ các công tác hậu cần. Khi còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Tiến Minh từng bùi ngùi chia sẻ: "Mỗi lần đi thi đấu nước ngoài là mỗi lần tôi thấy buồn tủi. VĐV các nước khác hễ bước ra khỏi sân là có hẳn một ekip chăm sóc tỉ mỉ, từ HLV cho đến bác sĩ riêng, săn sóc viên. Về đến nơi nghỉ, họ sẽ được hưởng chế độ phục hồi bài bản và chế độ dinh dưỡng thịnh soạn. Còn mình thì lủi thủi đi về phòng ngủ. Mình không tủi thân mới lạ vì trình độ của mình cũng đâu thua kém ai". Việc có đội ngũ săn sóc viên, chuyên gia trị liệu hùng hậu đi theo ở các giải đấu quốc tế như kiểu đồng nghiệp Lee Chong Wei (Malaysia) chỉ là giấc mơ với Tiến Minh. Ảnh: The Star. Nhưng tủi thân mãi cũng thành quen. Tiến Minh giờ đây chẳng mủi lòng vì tình cảnh một mình chinh chiến nữa. Thậm chí, anh coi đó là chuyện bình thường và hiển nhiên, do đã quá hiểu thực tại của thể thao nước nhà. Tại Olympic 2016 sắp tới, Tiến Minh cùng bạn gái Vũ Thị Trang sẽ lên đường sang Brazil mà không có HLV (cầu lông và judo là 2 trong tổng số 10 môn Việt Nam tham dự chỉ có VĐV, không có HLV). "Báo chí cứ hỏi mãi mình chuyện này, nhưng với mình, giờ nó chẳng còn quan trọng nữa. Có thì tốt, mà không có cũng chẳng sao. Thành tích giờ cũng không còn là vấn đề thiết yếu. Mình chỉ muốn thi đấu hết khả năng hiện có để không làm phụ lòng người hâm mộ đã yêu mến và ủng hộ mình suốt thời gian qua", tay vợt 33 tuổi người TP HCM chia sẻ vớiVnExpress. Với Tiến Minh lúc này, khi đã qua thời đỉnh cao, niềm đam mê cháy bỏng và tình cảm của khán giả là những động lực lớn nhất để anh thi đấu tiếp. Thay vì kết thúc sự nghiệp VĐV ngay sau Olympic 2016 như dự tính ban đầu, Tiến Minh đang tính lùi thời điểm này sang một hoặc hai năm nữa, vì anh cảm nhận được rất rõ sự mến mộ mà khán giả đang dành cho anh. Ngay sau khi phải bỏ cuộc dang dở trong trận đấu ra quân giải Vietnam Open 2016 vừa qua, Tiến Minh đã bộc bạch: "Thua như thế này thì tức lắm, vì tự nhiên lại đi bệnh lúc này mà lại còn ngay trên sân nhà, trên quê hương của mình. Mình có thể thua, nhưng không phải thua theo cách này. Chắc mình sẽ thi đấu thêm một, hai năm nữa, nhưng sẽ phải thi đấu có chọn lọc hơn. Mình vẫn còn mê cầu lông lắm. Hơn nữa, tôi cũng muốn trở lại đánh tiếp ở Vietnam Open thêm một lần nữa để phục vụ khán giả nhà". Tiến Minh trân trọng tình cảm của người hâm mộ cầu lông Việt Nam và xem đó như một động lực lớn để bước tiếp, dù đã qua thời đỉnh cao. Khán giả sẽ không bao giờ quay lưng với Tiến Minh, vì những nỗ lực không mệt mỏi và thành tích lẫy lừng của anh trong những năm qua, bất chấp một vài dư luận trái chiều về tính cách và chọn lựa của cá nhân Tiến Minh. Và xét cho cùng, vô địch hay đỉnh cao sự nghiệp cũng chỉ là nhất thời, còn tình cảm và sự mến mộ đọng lại trong tâm trí người hâm mộ mới là vinh quang lớn nhất của đời vận động viên. Tiến Minh là tay vợt lừng danh của làng cầu lông Việt Nam. Bằng tài năng xuất chúng, anh từng vươn lên thứ năm thế giới, và trụ lại top 10 thế giới trong suốt hơn 2 năm (từ 1-2010 đến 3-2012). Thời điểm Tiến Minh nằm trong top 10 là thời điểm mà cầu lông Đông Nam Á thống trị thế giới với hai đối thủ lớn là cựu số một thế giới Lee Chong Wei (Malaysia) và Boonsak Ponsana (Thái Lan). Cũng chính vì thế mà Tiến Minh luôn kém duyên với SEA Games, dù trong sự nghiệp anh sở hữu đến 16 danh hiệu vô địch cùng tấm HCĐ thế giới năm 2013. Ngọc Hà - http://thethao.vnexpress.net/